Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT; ông Hainz Leuenberger, Cố vấn trưởng kỹ thuật của dự án chủ trì hội thảo.
Cùng dự hội thảo có đại diện Bộ KH&ĐT, đại diện cơ quan quản lý và triển khai dự án cũng như các nhà tài trợ (UNIDO, SECO và GEF); các Quỹ cam kết tham gia cho Dự án.
Tham dự hội thảo, về phía tỉnh Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ban quản lý các KCN và đông đảo doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Dự án "Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8 năm 2014 với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 4.554.000 USD từ Quỹ môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO.
Dự án nhằm mục đích chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động thành KCN sinh thái; thí điểm tại các KHC Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ).
Tại các KCN này, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường và giảm chi phí sản xuất.
Công nghệ và kinh nghiệm sản xuất sạch, phát thải ít các-bon sẽ được trình diễn tại các KCN này nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất hữu cơ khó phân hủy (POP) và ô nhiễm nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam trình bày Báo cáo tiềm năng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tại các KCN Khánh Phú.
Theo đó, đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia Dự án thực hiện cuối tháng 6 đầu tháng 7 tại Khánh Phú cho thấy toàn bộ các công ty khảo sát đều có tiềm năng thực hiện chuyển đổi.
Mức tiết kiệm được ước tính là vào khoảng 5-20% năng lượng, 10-30% nước và nếu thực hiện chuyển đổi thành công các doanh nghiệp có thể cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của mình.
Hội thảo cũng đã nêu khá chi tiết về các cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi đầu tư đổi mới thiết bị/công nghệ. Ban Quản lý Dự án cũng dành thời gian để trao đổi và làm việc trực tiếp tại một số doanh nghiệp tham gia Dự án.
Qua khảo sát của UNIDO và Bộ KH&ĐT, có 8 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn tham gia dự án trong năm 2015 này. Các doanh nghiệp này sẽ được tham gia tập huấn đào tạo về sản xuất sạch hơn và hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ. Đây là những hộ trợ rất kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Hà Phương-Đức Lam