Đồng chí Nguyễn Thị ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Nhất cho biết: Năm 2017, qua khảo sát toàn xã có 38/63 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, chiếm 60,3% số hộ nghèo, 36/65 hộ cận nghèo do nữ đứng chủ. Hội đã tạo việc làm cho 1 phụ nữ nghèo đứng chủ là hộ chị Bùi Thị Uyên- phụ nữ đơn thân ở thôn Nguyên Ngoại- sức khỏe yếu do bị bệnh, thu nhập chính chỉ nhờ 2 sào ruộng. Đồng thời đã tư vấn giúp đỡ chị Uyên làm thêm nghề phụ trong lúc nông nhàn bằng việc tổ chức truyền nghề khâu chăn bông xuất khẩu cho chị Uyên, đến nay chị Uyên đã thoát nghèo.
Một trường hợp khác là hộ bà Nguyễn Thị Bảy có 4 khẩu, chồng không may mất sớm; bà Bảy làm ruộng, con gái lớn đã lập gia đình, con gái thứ hai vừa học xong đại học, con gái thứ ba đang học đại học năm thứ ba. Hội Phụ nữ xã đã tư vấn, giúp đỡ tạo điều kiện để bà Bảy vay vốn cho con học đại học và phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình. Hiện bà Bảy vay 127 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, trong đó 97 triệu đồng vay nuôi con học đại học, 30 triệu đồng vay để chăn nuôi và trồng trọt. Bên cạnh đó, Hội định hướng để bà Bảy học nghề làm bánh khi Hội Phụ nữ xã phối hợp với UBND xã tổ chức lớp học làm bánh phục vụ mô hình du lịch cộng đồng...
Cũng theo đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, hoạt động tạo vốn hỗ trợ hội viên phụ nữ cũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2017, Hội đã khai thác thêm 384.000.000 đồng cho 19 hộ vay mới, nâng tổng nguồn vốn lên 4.088 triệu đồng cho 224 hộ vay để phát triển kinh tế gia đình và đầu tư cho con ăn học. Định kỳ 3 tháng/lần, Hội tổ chức kiểm tra công tác quản lý và sử dụng vốn vay ở 100% tổ vay vốn và số hộ gia đình. Qua kiểm tra nhìn chung công tác bình xét cho vay ở các tổ đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng, các hộ vay vốn đều sử dụng vay vốn đúng mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là hộ chị Hà Thị Hiên ở thôn Thượng vay 50.000.000 đồng vốn giải quyết việc làm để chăn nuôi, gia đình thường xuyên nuôi 4 con lợn nái, 40- 50 con lợn thịt, bên cạnh đó gia đình chị mua 1 xe ô tô vận tải chở thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các hộ chăn nuôi, các đại lý cám, thu nhập một năm từ 100- 120 triệu đồng. Hộ chị Phạm Thị The ở thôn Bình Khê thường xuyên nuôi 30 con lợn nái, 150 - 200 con lợn thịt theo công nghệ cao. Chị là người đại diện cho tổ liên kết sản xuất trong chăn nuôi lợn ký hợp đồng với nhà máy thức ăn chăn nuôi Vina cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo an toàn, không qua khâu trung gian, giảm chi phí về giá thành cho người chăn nuôi, đảm bảo đồng giá về nguồn thức ăn trong chăn nuôi, góp phần giảm thiệt hại cho các hộ chăn nuôi khi giá lợn xuống thấp.
Cũng trong năm, hội viên phụ nữ trong xã cho nhau vay không lấy lãi trên 200 triệu đồng. Tiêu biểu là nhóm tiết kiệm xoay vòng Chi hội thôn Thượng có 20 chị em tham gia, mỗi chị em tiết kiệm 1.000.000 đồng/tháng.
Ngoài hoạt động nêu trên, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức 7 buổi chuyển giao KHKT chăm sóc lúa và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; 3 buổi tuyên truyền trồng rau an toàn, thu hút 481 phụ nữ tham dự; duy trì hoạt động của tổ liên kết chăn nuôi lợn tại thôn Bình Khê.
Thực hiện kế hoạch phát triển mô hình du lịch tại cộng đồng năm 2017 của UBND xã, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND xã tổ chức 2 lớp học nghề làm bánh và đan lát thủ công. Hiện có 27 người đăng ký học làm bánh, 10 người đăng ký học đan lát; phối hợp truyền nghề xuyên hạt cườm cho 20 lao động nữ, khâu chăn xuất khẩu cho 5 lao động nữ; tư vấn giúp việc gia đình, nhà hàng, khách sạn cho 7 lao động nữ...
Lê Xuân