Để có được kết quả ấy trước hết là sự năng động, vượt khó vươn lên của những hội viên, nông dân, song một điều hết sức quan trọng đó là vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong việc giúp đỡ, thúc đẩy phong trào, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thực tế cho thấy tinh thần "Tương thân tương ái", "Lá lành đùm lá rách" là truyền thống quý báu của người Việt Nam mà gốc rễ, phát tích từ mối quan hệ của nông dân. Một nội dung quan trọng của phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là "Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phong trào đã tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp của chế độ, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hàng năm, các chi hội, tổ hội tổ chức vận động các hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có một tiêu chí quan trọng là giúp đỡ các hộ khó khăn, hộ nghèo vươn lên.
Thông qua tuyên truyền, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ không để hộ nghèo đơn độc trong khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để các hộ nông dân nghèo vững tin vươn lên. Từ năm 2009 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, gặp mặt các chủ trang trại và doanh nghiệp nông dân. Những hoạt động ấy đã khuyến khích tinh thần tương thân tương thân tương ái và nghị lực làm giàu của những "ông chủ" trang trại, doanh nghiệp nông dân, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, những "hạt nhân" trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Không những làm giàu cho bản thân, các chủ trang trại, doanh nghiệp nông dân, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi còn giúp vốn, kỹ thuật, việc làm và kinh nghiệm để nông dân nghèo vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2009 đến 2013, thông qua tổ chức Hội Nông dân, hội viên, nông dân trong tỉnh đã tự nguyện giúp nhau 17,9 tỷ đồng, 216.735 ngày công và hàng chục vạn con giống; ủng hộ 897,2 triệu đồng và 13.924 ngày công xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Trong gian khó mới thấy rõ ý chí quyết tâm và tinh thần nhiệt huyết của giai cấp nông dân và cán bộ, hội viên, nông dân. Hàng vạn hộ nông dân không quản ngại khó khăn đã tham gia tích cực, hỗ trợ nhau phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Hội Nông dân tỉnh khai thác mọi nguồn lực để xã hội hóa công tác giảm nghèo, xây dựng 296 mô hình giảm nghèo bền vững, trực tiếp giúp 2.454 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.
Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tổ chức nhiều hình thức hỗ trợ nông dân như tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp và trực tiếp tổ chức 8.671 lớp tập huấn KHKT dưới hình thức hội nghị đầu bờ, "cầm tay chỉ việc". Hội Nông tỉnh đã trực tiếp triển khai 94 dự án với số tiền gần 20 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề tạo việc làm cho nông dân, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ chính sách và hộ chăn nuôi trang trại. Cho 30.672 hộ vay trên 561 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và phối hợp với các ngân hàng. Trực tiếp tổ chức dạy nghề cho 3.243 nông dân, phối hợp dạy nghề và tạo việc làm cho trên 25.500 nông dân. Ưu tiên dạy nghề cho nông dân nghèo và nông dân thực hiện thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị hóa. Xây dựng 518 mô hình trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điển hình là mô hình trồng 30 ha khoai lang Nhật Bản tại huyện Nho Quan; mô hình nuôi con đặc sản ở xã Đông Sơn, Trung Sơn (Tam Điệp); mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Khánh Trung (Yên Khánh); mô hình trồng nấm tại xã Yên Nhân, Yên Thành (Yên Mô), Khánh Nhạc (Yên Khánh); mô hình chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân (Hoa Lư); mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Nho Quan và thị xã Tam Điệp...
Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo "Nông dân bàn cách làm giàu", chương trình "Nhịp cầu nhà nông", vận động nông dân tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mở rộng thị trường và nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện "Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn", các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân dồn điền, đổi thửa để hình thành "cánh đồng mẫu lớn", các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; hướng dẫn liên kết xây dựng tổ hợp tác, chi hội ngành nghề để hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 15 tổ hợp tác trong các lĩnh vực chăn nuôi, ngành nghề; thành lập các chi hội ngành nghề, tiêu biểu như chi hội nuôi ong, chi Hội nuôi nhím, chi hội nuôi dê, chi hội thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ. Với sự chung sức, đồng lòng của các cấp Hội, phong trào phát triển sâu rộng, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Số hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng là 125 hộ, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là 35 hộ và 25 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên.
Nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp hội giúp đỡ đã vươn lên trở thành những hộ nông dân điển hình, tiên tiến. Tiêu biểu là hộ anh Phạm Văn Vang, chủ cơ sở sản xuất gốm sứ mỹ nghệ ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Giải thưởng Sao Thần nông; hộ ông Đỗ Văn Trường ở phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc... Đến nay, toàn tỉnh có 57.522 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Có thể khẳng định, trong 5 năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh không những tạo điều kiện về vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên nông dân, mà điều quan trọng là trong bước đuờng vượt khó vươn lên làm giàu, các hộ nông dân được Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở động viên khuyến khích mang lại niềm tin để vươn lên, niềm tin để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, niềm tin vào nghị lực, khả năng của chính mình và niềm tin vì có cộng đồng cùng chung tay góp sức. Hoạt động của Hội và sự phấn đấu của hội viên, nông dân đã góp phần tích cực vào phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xây dựng khối đại đoàn kết và thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để các cấp Hội Nông dân được tham gia tích cực, có hiệu quả Kết luận số 61-KL/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để có thêm điều kiện thuận lợi và cơ chế, chính sách tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân thúc đẩy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.
Bùi Mai Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh