Điển hình là việc ban hành Kế hoạch số 141 ngày 27/6/2016 về "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016 - 2020" và xây dựng Đề án "Tuyên truyền vận động nông dân nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016 - 2020". Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là xây dựng các mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn để tuyên truyền và nhân rộng.
Ngay trong năm 2017, HND tỉnh đã tiến hành khảo sát và xây dựng 8 mô hình điểm "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" tại 8 huyện, thành phố và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Các mô hình điểm "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" được triển khai trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến kinh doanh, chế biến thực phẩm phù hợp với đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã tham gia mô hình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao kỳ, đóng gói sản phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều điện sản xuất an toàn, sản phẩm an toàn... hướng tới liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi "từ sản xuất đến tiêu dùng".
Đó là mô hình Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong (huyện Nho Quan) với diện tích 14.000m2 chuyên sản xuất măng tây và các loại rau theo quy trình sản xuất an toàn, có sổ nhật ký theo dõi; mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Long xã Yên Từ (huyện Yên Mô) diện tích gần 13.000m2 sản xuất các loại rau như cà chua, bí xanh, cải bẹ, cải bắp, xu hào, súp lơ, cà rốt...
Mô hình sản xuất bún bánh an toàn của hộ ông Đinh Đức Hoàn, mô hình sản xuất miến dong an toàn của hộ ông Nguyễn Văn Trưởng ở thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh), trung bình mỗi ngày sản xuất 2 tạ bún, bánh, cam kết không sử dụng các loại hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản, sản phẩm bún khô, bánh đa canh, miến dong an toàn.
Mô hình sản xuất Mắm tép an toàn Thủy Tới ở thị trấn Me (huyện Gia Viễn) sản xuất mắm tép từ các loại tép diu tươi ngon đặc trưng của vùng quê chiêm trũng, có mùi thơm, vị ngọt mặn tạo nên nét độc đáo của ẩm thực Ninh Bình.
Mô hình sản xuất giò chả an toàn Hải Thơm ở xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn) chuyên sản xuất giò, chả, mọc đảm bảo an toàn từ thịt lợn tươi ngon, không sử dụng hooc mon tăng trưởng, chất tạo nạc.
Mô hình hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình do ông Bùi Văn Thảo xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) làm giám đốc với 2.000 con dê được các thành viên chăn nuôi theo hướng an toàn, chuyên cung cấp các sản phẩm thịt dê tươi, sống, thịt dê cấp đông, sữa dê, cao dê.
Mô hình sản xuất và chế biến tinh bột nghệ an toàn của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ tinh bột nghệ Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) chuyên trồng các loại nghệ đỏ, nghệ cà rốt, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế biến tinh bột đảm bảo an toàn thực phẩm là một vị thuốc quý, có rất nhiều công dụng phòng và trị các loại bệnh trong dân gian.
Mô hình cửa hàng Nông sản an toàn Sông Vân tại phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) là điểm kết nối giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn của 7 mô hình điểm tại các huyện, thành phố và sản phẩm nông sản của hội viên nông dân trong toàn tỉnh, các tỉnh bạn.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên phụ trách mô hình. Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo, tổ công tác họp đánh giá tiến độ triển khai các mô hình, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Hội Nông dân tỉnh đồng loạt triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ mô hình điểm như: tổ chức các lớp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, quy trình sử dụng phân bón, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong sản xuất rau an toàn, điều kiện đảm bảo chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; các thủ tục, điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn…
Việc tổ chức lớp tập huấn nhằm giúp hội viên nông dân trong tỉnh nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng dân cư về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Với sự vào cuộc tích cực đồng bộ của HND các cấp, sự quan tâm phối hợp của các ngành, đến nay hai mô hình Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong (huyện Nho Quan) và Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Long xã Yên Từ (huyện Yên Mô) đều được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn; Mô hình sản xuất bún bánh an toàn Đinh Đức Hoàn, mô hình sản xuất miến dong an toàn Nguyễn Văn Trưởng ở thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh xác nhận sản phẩm phù hợp với quy định vệ sinh an toàn; Mô hình hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Mô hình sản xuất giò, chả an toàn Hải Thơm (huyện Kim Sơn) và mô hình sản xuất mắm tép an toàn Thủy Tới (huyện Gia Viễn) được được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để được công nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn.
Bên cạnh đó, HND tỉnh chú trọng việc đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền như: xây dựng chuyên mục "Nói không với thực phẩm bẩn" trên Báo Ninh Bình, Website HND tỉnh và Bản tin Nông dân Ninh Bình hàng quý cấp miễn phí đến chi Hội, thông qua sinh hoạt chi Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật"...
Tích cực phối hợp với các ngành tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao KHKT, chú trọng phổ biến những kiến thức cơ bản về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng", kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học trong chăn nuôi...
Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi an toàn thực phẩm trong cán bộ, hội viên nông dân. Chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" cấp huyện và cấp cơ sở.
Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; tích cực tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm... thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia hưởng ứng, tự giác tham gia xây dựng các mô hình nông dân liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng nông sản hàng hóa và cuộc sống của nhân dân.
Phạm Hường