Trao đổi về các mô hình sản xuất, chăn nuôi ở địa phương, ông Điền Văn Nhẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phúc cho biết: Hội Nông dân xã có 1.214 hội viên nông dân đều tham gia sản xuất, chăn nuôi, cung cấp thực phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Do đó, trong chương trình công tác Hội, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về sự cần thiết phải đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, qua việc duy trì các câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", Hội Nông dân xã đã lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hội còn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cơ bản về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo nguyên tắc "4 đúng". Làm tốt việc hướng dẫn, tư vấn cho hội viên, nông dân biết cách lựa chọn, sử dụng những thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng. Tuyên truyền để người sản xuất có ý thức bảo vệ môi trường sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Thực hiện nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chăn nuôi, từ năm 2006 Hội Nông dân xã đã quy hoạch 3 ha làm rau an toàn với trên 100 hộ nông dân ở thôn Đoài Hạ tham gia canh tác. Mô hình này được nhiều khách hàng tin tưởng, ủng hộ, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mỗi năm, diện tích rau an toàn được mở rộng, đem lại giá trị thu nhập cao cho người nông dân. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn xã có hơn 20 trang trại có quy mô từ 50 con lợn trở lên nhiều năm nay cũng là những địa chỉ cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Hưởng ứng kế hoạch "Nói không với thực phẩm bẩn" của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân xã đã xây dựng 2 mô hình điểm trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi là: mô hình trồng hành hoa xuất khẩu của hội viên Nguyễn Văn Thìn thuộc chi hội Đoài Hạ và mô hình trang trại nuôi lợn của hội viên Đỗ Văn Nguyện thuộc chi hội Khoái Thượng. Đây là 2 mô hình được triển khai thực hiện đã lâu, cho hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập cao từ việc chủ cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để thu hút sự tham gia vào cuộc của hội viên, nông dân đối với vấn đề "Nói không với thực phẩm bẩn", Hội Nông dân thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường, 106/106 chi hội tổ chức sinh hoạt chi hội quý 3 với chủ đề vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hội còn quan tâm cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng chế phẩm sinh học, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần sản xuất nông sản sạch, tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng vật tư nông nghiệp… Đã có 7.775/8.130 hội viên nông dân ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn" giai đoạn 2016-2020, đạt tỷ lệ 95,6%. Hiện nay, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng các mô hình điểm nông dân "Nói không với thực phẩm bẩn". Đã có 12 mô hình được triển khai ở các cơ sở Hội như: mô hình trồng hành hoa xuất khẩu (xã Ninh Phúc), nuôi gà sạch (phường Ninh Sơn), nuôi lợn không sử dụng chất cấm (phường Nam Bình), trồng rau sạch phục vụ cho toàn xã (xã Ninh Nhất)… Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố cùng Hội Nông dân các xã, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chấp hành tốt Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các quy định của pháp luật về xử phạt hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên về an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các chi hội nông dân tổ chức cho các hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn", sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Trong kế hoạch của Hội Nông dân thành phố "Nói không với thực phẩm bẩn" giai đoạn 2016-2020, việc xây dựng các mô hình điểm "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" tại các xã, phường được chú trọng bằng những việc làm cụ thể. Hội Nông dân thành phố tổ chức tập huấn, phổ biến những kiến thức cơ bản về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng". Hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục cho phép sử dụng, cách thức bảo quản thực phẩm, phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng… Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình sản xuất an toàn, triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi "từ sản xuất đến tiêu dùng". Phấn đấu đến năm 2020, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.
Lý Nhân