Trong nhiều hoạt động hỗ trợ, việc xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân luôn được Hội quan tâm, tham mưu với Đảng ủy phường để có sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quỹ. Đồng thời, chỉ đạo các chi hội tổ chức các hoạt động xây dựng quỹ bằng nhiều hình thức. Đến nay, 100% chi hội đều có quỹ hoạt động, số quỹ Hội trung bình đạt gần 90.000 đồng/hội viên, đạt 127% chỉ tiêu, tổng số quỹ của phường trên 97 triệu đồng, là một trong những đơn vị tốp đầu về xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân của thành phố.
Cùng với việc xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân phường còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả dư nợ đến nay là trên 2,1 tỷ đồng thông qua 4 tổ vay vốn với 57 hộ vay. Các hộ được vay vốn đã phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn ủy thác của ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển kinh doanh, sản xuất, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Các chi hội đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham mưu với cấp ủy chi bộ tổ chức thực hiện phong trào vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề kinh doanh, sản xuất và dịch vụ, có kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Phát huy vai trò của tổ chức Hội, các chi hội đã giúp hội viên tổ chức xây dựng các mô hình, điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để phổ biến, nhân ra diện rộng các dịch vụ đa ngành, đa nghề như: mô hình kinh doanh tập thể của hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Sơn Bé (chi hội phố 1), anh Lê Văn Kỳ, anh Hà Văn Thăng (chi hội phố 7), chị Đinh Thị Hòa (chi hội phố 8), chị Nguyễn Thị Hiền (chi hội phố 8)… các mô hình kể trên đã giúp hàng chục lao động là con em trên địa bàn phường có công ăn việc làm ổn định, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2017 toàn hội có 102 hộ đạt danh hiệu sản xuất kih doanh giỏi các cấp, trong đó có 2 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 3 hộ đạt danh hiệu cấp thành phố.
Hưởng ứng phong trào "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" và cũng là để đáp ứng nhu cầu sử dụng, tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm của người tiêu dùng thành phố, Hội Nông dân phường Đông Thành đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên nông dân về việc chấp hành tốt các quy định của Luật An toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Hội Nông dân phường đã có nhiều việc làm cụ thể trong việc xây dựng hiệu quả 2 mô hình "nông dân nói không với thực phẩm bẩn" của phường là mô hình chăn nuôi gà an toàn và kinh doanh dịch vụ nhà hàng an toàn. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình điểm đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" thông qua việc khai trương và đưa vào hoạt động cửa hàng Nông sản an toàn sông Vân từ tháng 7/2017 tại địa chỉ số 203B, đường Đinh Tiên Hoàng.
Đây là nhân tố quan trọng để nhân rộng mô hình, giúp hội viên, nhân dân trong và ngoài phường có điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường đã chú trọng tổ chức và duy trì hoạt động của câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" về an toàn thực phẩm với trên 50 hội viên tham gia thường xuyên. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên đã giúp cho hội viên nông dân phường nắm bắt được nhiều và đầy đủ các thông tin, quy định, định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm của hội viên.
Hiện trên địa bàn phường Đông Thành đã xuất hiện một số mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, góp phần đem đến cho thị trường tiêu dùng thực phẩm những địa chỉ tin cậy cho bữa ăn của mỗi gia đình. Đây là hướng đi lâu dài được Hội Nông dân phường xác định sẽ tập trung thực hiện tốt để góp phần vào phong trào "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn".
Bài, ảnh: Bùi Diệu