Gia đình bà Đinh Thị Hoa là một điển hình trong phát triển kinh tế ở bản Ao Lươn. Sở hữu diện tích 2ha đồi rừng, nhưng những năm trước đây gia đình bà Hoa chỉ biết trồng ngô, sắn, năng suất phụ thuộc vào… thời tiết. Dù có nhiều cố gắng song gia đình bà vẫn chưa ra khỏi được danh sách hộ nghèo của xã. Cách đây 7 năm, qua các phương tiện truyền thông, bà Hoa nhận thấy cơ hội thoát nghèo từ nuôi hươu. "Tôi bắt đầu nảy sinh ý định nuôi và đi tìm hiểu về nó. Con hươu nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm, thậm chí nhà có thể cung cấp được" -Bà Hoa nói. Việc tìm hiểu cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nguồn thức ăn... cho hươu bà Hoa nhận được sự động viên, hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân xã. Và thế là những cặp hươu đầu tiên được vợ chồng bà Hoa đem về nuôi, đến nay, đàn hươu đã lên đến hơn 30 con, trong đó có 13 con hươu đực nuôi lấy nhung. Mỗi năm, tính riêng đàn hươu cho hai lần thu lộc, mang lại cho gia đình bà số tiền trên 100 triệu đồng, chưa kể bán hươu thịt.
Cũng ở bản Ao Lươn, gia đình ông Bùi Hồng Quân lại vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi ong. Ông Quân tâm sự: Tôi đi thăm mô hình nuôi ong mật của một người bạn ở thành phố Tam Điệp, sau đó mạnh dạn mua 3 thùng ong giống về nuôi thử. Vừa nuôi, vừa mày mò áp dụng kỹ thuật đã học, cuối vụ tôi thu được 30 lít mật. Nếu khi mới nuôi, quay được số mật như thế đã được xem là thành công thì nay, qua việc áp dụng kỹ thuật và nâng cao tay nghề, gia đình ông đã thu được bình quân 40 lít/thùng. Kinh nghiệm đúc rút, ông nhân dần số lượng đàn ong, đến nay ông đã có gần 100 đàn ong, mỗi năm, mang lại cho gia đình ông Quân nguồn thu trên 100 triệu đồng. Không chỉ chú trọng làm giàu cho gia đình mình, ông Quân còn nhiệt tình hướng dẫn, sẵn sàng hỗ trợ giống, vốn để các hội viên trong Hội Nông dân cùng làm theo.
Bà Bùi Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Phú cho biết, Hiện nay, Hội nông dân xã có trên 1.000 hội viên, trong đó còn hơn 100 hội viên còn nằm trong diện hộ nghèo. Bài toán giảm nghèo rất khó với một địa phương mà nghề chính là sản xuất nông nghiệp nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết như ở Kỳ Phú. Bởi vậy, trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã triển khai chỉ đạo các chi hội tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân khắc phục mọi khó khăn do thời tiết gây ra, phấn đấu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát huy nội lực, phát huy tiềm năng thế mạnh ở từng chi hội. Do vậy đã gieo trồng hết diện tích cả hai vụ chiêm và vụ mùa, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ mùa. Đặc biệt, đáng phấn khởi là ở xã Kỳ Phú ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đưa vào nuôi các con đặc sản cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn xã phát triển tổng đàn hươu là gần 1.000 con, đàn ong trên 900 đàn, tổng đàn dê trên 2.000 con…Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ không để dịch bệnh xảy ra.
Nhằm khơi dậy nội lực của các hội viên, Hội Nông dân xã đã phát động phong trào phát triển kinh tế, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập cao. Cùng với đó, Hội Nông dân xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện và các doanh nghiệp, nhà máy tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi bò, dê, tập huấn chăn nuôi gà và sử dụng chế phẩm sinh học kỹ thuật chăm bón cây trồng và vật nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh cho gia súc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Cùng với đó, riêng năm 2017, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nho Quan tạo điều kiện cho 22 hội viên vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất. Toàn xã có trên 90% hội viên đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Có 150 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu cho phong trào này là hộ ông Tăng, ông Luật ở bản Xanh; ông Khoa, ông Dự ở Phùng Thượng; ông Tuyên, ông Triệu ở bản Săm; ông Nhuần, ông Châu ở bản Vóng; ông Cường, bà Độ, bà Tình ở bản Sạng; ông Sơn ở Thường Sung; ông Toán, ông Huy, ông Hướng ở bản Mét; ông Hạnh, ông Hừng, ông Quang ở bản Cả; ông Le ở bản Sau; ông Song ở bản Ao; bà Hằng, ông Vinh ở bản Tân Phú… và nhiều hộ ở các chi hội có thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng trở lên. Hiện nay toàn xã có 10 trang trại, gia trại vừa và nhỏ và nhiều cánh đồng có thu nhập từ 80 triệu đồng/ha/năm.
Với kết quả đã đạt được, Hội Nông dân xã Kỳ Phú đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã xuống còn 12%. Riêng Hội Nông dân đã trực tiếp giúp đỡ được 11 hộ hội viên thoát nghèo.
Bài, ảnh: Đào Hằng