Trước đây, tại nhiều địa phương trong huyện, việc nông dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật thường vứt vỏ bao bì, chai lọ ngay tại ruộng hoặc bỏ gần kênh mương tưới tiêu, dẫn đến ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến. Đa số người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều chưa ý thức được sự nguy hại của rác thải đồng ruộng gây ra đối với môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vỏ bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng với nhiều chủng loại khác nhau như: chai thủy tinh, chai nhôm, chai nhựa và lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa trong đó đều rất khó phân hủy và đem lại nhiều tác hại khôn lường đối với môi trường sống của con người.
Nắm bắt được thực trạng này, với sự hỗ trợ của Hội cấp trên, Hội Nông dân huyện đã tiến hành xây dựng mô hình điểm về cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại xã Khánh Cường. Mô hình được triển khai với sự vào cuộc tích cực của các chi hội, các hợp tác xã từ khâu tuyên truyền, vận động đến hướng dẫn người dân sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Đặc biệt, trước khi thực hiện đều tổ chức họp dân để bàn bạc, xin ý kiến, lựa chọn vị trí đặt và thống nhất mức đóng góp xây dựng các bể chứa. Ông Phạm Văn Mùi, một nông dân ở xã Khánh Cường cho biết: Trước đây, phun thuốc trừ sâu xong, bà con thường không biết bỏ vỏ chai ở đâu, cứ vứt bừa trên bờ ruộng. Sau khi các bể thu gom được đưa vào sử dụng, thói quen này đã được xóa bỏ, chúng tôi gom vỏ chai, vỏ bao bì thuốc cho vào bể, vừa tiện lợi lại đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau đó, sẽ có lực lượng thu gom đưa về nơi tập kết để xử lý.
Từ việc triển khai thành công tại xã Khánh Cường với hàng trăm bể chứa được xây dựng, Hội Nông dân huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác trong huyện. Đồng chí Ngô Thị Hay, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Khánh cho biết: Nhận thức được tính cấp thiết và ý nghĩa của hoạt động này, mô hình của Hội Nông dân huyện đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân để hiện thực hóa. Từ nguồn vốn vận động, xã hội hóa và kinh phí hỗ trợ của Tỉnh hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 2 nghìn thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã được đặt ở tất cả 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Các điểm này đều được đặt ở vị trí thuận tiện đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường ở khu vực lân cận.
Quá trình triển khai, thông qua các buổi sinh hoạt Hội, qua hệ thống đài truyền thanh và phát tờ rơi, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, kêu gọi, vận động người dân ủng hộ kinh phí xây dựng bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni-lon. Hội Nông dân huyện, Hội nông dân các xã còn đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân cùng đóng góp. Từ khi xuất hiện những bể thu gom, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni-lon vứt không đúng chỗ đã giảm hẳn, ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là cách tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng của người dân địa phương đã thể hiện được sự hiểu biết và trách nhiệm hơn.
Có thể nói, mô hình cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật được triển khai thực hiện đang phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao được ý thức của bà con nông dân trong bảo vệ môi trường, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.
Đào Duy