Thực hiện Đề án, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động 100% hộ nông dân ký cam kết và thực hiện cam kết "Nói không với thực phẩm bẩn". Đồng thời chủ động và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình "Đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn", đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 13 mô hình sản xuất an toàn.
Hội cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của hội viên, nông dân về những vi phạm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đồng thời tổ chức nhiều cuộc giám sát về các nội dung liên quan.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân, giúp người nông dân tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.
Cùng với tuyên truyền, các cấp Hội đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với phòng, ban, ngành, các doanh nghiệp để chuyển giao, tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật đến hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập và làm theo.
Các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm buổi chuyển giao KHKT cho cán bộ, hội viên; thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trung tâm giống thủy sản nước ngọt tỉnh tổ chức chuyển giao KHKT về nuôi thủy sản cho các thành viên tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Hòa, Trường Yên, Ninh Giang, Ninh Khang, Ninh Vân, Ninh An. Phối hợp với Ban Kinh tế-xã hội (Hội Nông dân tỉnh) xây dựng 3 mô hình điểm về sử dụng đệm lót sinh học tại xã Ninh Hòa, Ninh Xuân.
Hội Nông dân huyện phối hợp với các phòng, Ban Hội Nông dân tỉnh và Sở Công thương giúp các chủ trang trại, chủ cơ sở SXKD xây dựng Website quảng bá sản phẩm, tư vấn thông tin thị trường, tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Đã tổ chức 1 lớp tập huấn sản xuất theo chuỗi giá trị cho 197 hội viên nông dân và xây dựng 1 mô hình trang trại đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, tham gia xây dựng thương hiệu dê núi Ninh Bình, đưa sản phẩm giới thiệu và bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn. Sản phẩm dê núi xã Ninh Hòa, dê thịt, sữa dê xã Ninh Giang đã được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Đặc biệt hiện nay với sự phát triển mạnh các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân huyện đã chú trọng lồng ghép nội dung "nói không với thực phẩm bẩn" vào hoạt động của các tổ hợp tác, HTX. Đến nay Hội Nông dân toàn huyện đã tư vấn thành lập được 20 mô hình kinh tế tập thể trên các lĩnh vực.
Thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp cho hội viên nông dân trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, cùng nhau hợp tác để giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Các mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả là: tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Ninh Giang, Ninh Khang, Ninh Vân; Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Ninh Giang, Trường Yên, Ninh Hòa...
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thực hiện Đề án thời gian qua, Hội đang phấn đấu hàng năm mỗi cơ sở Hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", Hội Nông dân huyện ra mắt và duy trì 1 cửa hàng nông sản an toàn…
Đào Duy