Ban chấp hành các cấp Hội được củng cố, trẻ hóa nâng cao năng lực nên ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức Hội. Đại đa số cán bộ Hội hoạt động năng động, sáng tạo, đề ra các chương trình, giải pháp cụ thể, sát thực, phù hợp với tình hình nhiệm vụ của địa phương. Các Hội cơ sở đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phối hợp giúp đỡ nhau trong các mặt hoạt động để đẩy mạnh việc chăm sóc đời sống hội viên và người mù. Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp Hội luôn bám sát các chi hội nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, thường xuyên tuyên truyền Điều lệ Hội cho người khuyết tật về mắt có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ tham gia sinh hoạt hội. Trong nhiệm kỳ, Hội đã kết nạp được 167 hội viên, toàn Tỉnh hội đã phát triển thêm 6 chi hội, đưa tổng số hội viên lên 1.736 người và 130 chi hội trên 147 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội hoạt động hiệu quả. Đến nay đã có 19 chi hội được địa phương cấp kinh phí hoạt động, nhiều chi hội đã xây dựng được quỹ chăm sóc đời sống hội viên, chi hội trưởng được trợ cấp.
Cùng với việc củng cố và phát triển tổ chức Hội, hoạt động vay vốn, dạy nghề và tạo việc làm chăm sóc đời sống hội viên được Hội thường xuyên quan tâm. Trong nhiệm kỳ, Tỉnh hội đã triển khai 52 dự án từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (từ kênh Trung ương Hội Người mù Việt Nam và kênh địa phương) cho 700 hội viên vay với tổng số tiền 2.179 triệu đồng. Hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, hoàn trả gốc lãi cho Nhà nước đúng thời gian quy định, được Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá cao.
Trong nhiệm kỳ, Trung tâm dạy chữ Braille và dạy nghề của Hội đã mở 18 lớp đào tạo phù hợp với điều kiện và sức khỏe của người mù như: Xoa bóp, bấm huyệt; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tin học văn phòng cho 213 hội viên theo học. Đa số hội viên học xong được các cấp hội bố trí việc làm tại các cơ sở tập trung của Hội hoặc được vay vốn phát triển chăn nuôi, kinh doanh tại gia đình. Hiện nay, Hội đang quản lý 19 cơ sở tổ, nhóm sản xuất thu hút 154 lao động, trong đó có 12 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, thu nhập bình quân của kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng/tháng, thu nhập bình quân của nghề thủ công truyền thống từ 290.000-450.000 đồng/tháng. Tuy thu nhập của nghề này chưa cao nhưng đây cũng là niềm vui và hạnh phúc của người mù trong lao động. Người mù đã có việc làm ổn định, có thu nhập tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình, phấn đấu vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.
Trong những dịp lễ, Tết, ngoài nguồn kinh phí tích lũy của các cơ sở sản xuất, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, Hội còn đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể trợ cấp cho 2.015 lượt hội viên với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, hội viên còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, con của người mù đi học được miễn giảm các khoản đóng góp. Hội cũng đã đề nghị Hội Khuyến học tỉnh tặng học bổng cho 50 em học sinh mù đang theo học hòa nhập tại các trường phổ thông với số tiền 25.000.000 đồng. Hội còn đề xuất với ủy ban MTTQ các cấp xây mới, sửa nhà cho 27 hội viên, trị giá 649 triệu đồng. Có 831 hội viên được hưởng trợ cấp thường xuyên, 1.469 hội viên được thụ hưởng chương trình nước sạch và 1.736 hội viên được xóa đói thông tin. Hội còn phối hợp với các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tổ chức khám mắt miễn phí, phát thuốc, cấp kính và tặng quà cho hội viên; nhiều hội viên ở các cơ sở sản xuất hàng năm được đi tham quan du lịch, giao lưu với hội viên các tỉnh bạn.
Hàng năm, Hội thường xuyên tuyên truyền chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình trong các hội nghị và bằng tài liệu chữ Braille và băng cat-xet nhằm phổ biến kiến thức cơ bản về dân số-kế hoạch hóa gia đình, qua đó hội viên đã nhận thức đúng đắn và tự giác thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chỉ tiêu cơ bản được hoàn thành, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5 đến 2%/năm, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Tỉnh hội là 14,78%.
Trong nhiệm kỳ, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và các ngày lễ lớn của Hội, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, "Tàn nhưng không phế". Thông qua Tạp chí Đời mới của Trung ương Hội, cán bộ, hội viên đã nắm được các thông tin về hoạt động của Hội, những chủ trương, chính sách, kiến thức khoa học kỹ thuật, sức khỏe đời sống, biểu dương người tốt, việc tốt được người mù đón đọc.
Nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, từ Tỉnh hội đến các hội cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú thiết thực, cụ thể như nhiều cán bộ, hội viên tích cực tham gia cuộc thi Onkyo "Chữ Braille thay đổi cuộc đời tôi" do Hiệp hội người mù Châu Á- Thái Bình Dương tổ chức và đạt giải cao; năm 2009 một cán bộ hội đã đạt giải xuất sắc, năm 2012 một hội viên đạt giải ba.
Phong trào văn hóa-văn nghệ diễn ra thường xuyên ở các cấp hội với nhiều hình thức phong phú, nổi bật là "Liên hoan tiếng hát từ trái tim" lần thứ IV diễn ra năm 2013. Tỉnh hội đã chọn 3 tiết mục xuất sắc tham dự "Liên hoan tiếng hát từ trái tim" do Trung ương Hội tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, kết quả đạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 bằng khen. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí đã góp phần tích cực xây dựng hình ảnh người mù mới có văn hóa, có tri thức.
Với những thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ có 85 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội được Trung ương Hội Người mù Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt trong năm 2009, Tỉnh hội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2012 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Mai Linh Quý
(Chủ tịch Hội Người mù Ninh Bình)