Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, Phó Trưởng ban công tác về người khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 22.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 3,1% dân số. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh, người khuyết tật trong tỉnh đã từng bước được hưởng những chính sách ưu đãi, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều người khuyết tật đã vươn lên khẳng định vị thế không những giúp bản thân và gia đình có thu nhập ổn định mà còn giúp những người đồng cảnh có công ăn việc làm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Công tác xây dựng phát triển tổ chức Hội luôn được Ban Thường vụ Hội coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong kế hoạch hàng quý, hàng năm đều chú trọng các giải pháp phát triển tổ chức Hội. Sau Đại hội lần thứ nhất tháng 12/2007, Hội đã đề ra nhiệm vụ, chương trình hoạt động, thành lập 4 ban chuyên môn, phân công lãnh đạo phụ trách các ban nhằm chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động; ban hành quy chế làm việc của Văn phòng, quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra… góp phần xây dựng Hội hoạt động chuyên nghiệp, khoa học.
Việc vận động thành lập Hội, mở rộng mạng lưới là mục tiêu lớn trong phát triển Hội người khuyết tật tỉnh. Đến nay, Hội người khuyết tật tỉnh đã phát triển mạng lưới Hội 4 huyện, thành phố, gồm Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp. Cùng với đó, nhiều câu lạc bộ thanh niên khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được thành lập, đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động của người khuyết tật.
Công tác truyền thông, giáo dục pháp luật, phổ biến chính sách cho người khuyết tật được đẩy mạnh. Hội các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan tuyên truyền pháp luật về người khuyết tật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tôn vinh sự quan tâm của cộng đồng đối với người khuyết tật với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh tổ chức 6 buổi tập huấn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với nội dung rất thiết thực, thu hút trên 100 người tham dự. Cùng với đó, Hội người khuyết tật tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực cán bộ Hội, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và các nhà tài trợ thực hiện dự án trợ giúp người khuyết tật. Đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ Hội, hội thảo chuyên đề, chia sẻ kiến thức và những vấn đề vận động chính sách xây dựng phát triển Hội, các chính sách, chế độ đối với người khuyết tật. Đến nay hầu hết số cán bộ lãnh đạo trong Ban chấp hành Tỉnh hội và huyện hội được trang bị cơ bản kiến thức về tổ chức Hội, cách thức hoạt động hội, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, hiểu biết được luật và các chủ trương, chính sách liên quan đến người khuyết tật, qua đó áp dụng trong hoạt động xây dựng, phát triển Hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Trong nhiệm kỳ 2012-2017, công tác vận động, chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật có nhiều đổi mới, hoạt động hiệu quả. Nhiệm vụ vận động, tạo điều kiện chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trở thành việc làm thường xuyên trong hoạt động của các hội thành viên. Trong dịp Tết Nguyên đán, ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu... Hội người khuyết tật tỉnh và các cấp hội thành viên đã vận động, phối hợp với địa phương vận động kinh phí để hỗ trợ, tặng quà thăm hỏi người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hội các cấp đã phối hợp các nhà hảo tâm, Tổ chức phi Chính phủ vận động tặng xe lăn, xe lắc, xe quay tay cho người khuyết tật; tặng nẹp, chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình, điện thoại di động... cho trên 400 người khuyết tật, trị giá 700 triệu đồng.
Công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật được triển khai theo hướng tăng cường cho hội viên người khuyết tật tham gia thông qua các đề án, dự án. Các Hội thành viên đã phối hợp tổ chức nhiều khóa học nghề cho người khuyết tật với trên 300 người được học nghề. Hiện nay 2/3 số người được đào tạo nghề có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Hội đã ký kết thỏa thuận hợp đồng thực hiện nhiều dự án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn các tỉnh do các tổ chức phi chính phủ tài trợ từ giữa năm 2009 đến năm 2016, số người khuyết tật hưởng lợi từ dự án trên 550 lượt người, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng… Kết quả vận động trợ giúp người khuyết tật hàng năm đều tăng, góp phần động viên tinh thần, vật chất, nâng cao đời sống cho người khuyết tật.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết thêm: Khó khăn của Hội hiện nay là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khoảng cách giàu - nghèo, sự cách biệt giữa các khu vực thành thị - nông thôn, vùng sâu, vùng xa… là những trở ngại trong việc thiết lập và duy trì mạng lưới của người khuyết tật. Cùng với đó, một bộ phận người khuyết tật có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Hội Người khuyết tật lại là đơn vị mới thành lập, không phải đơn vị đặc thù, do đó kinh phí phục vụ các hoạt động Hội gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến đối tượng người khuyết tật nên việc thành lập và phát triển mạng lưới tổ chức người khuyết tật chưa được sâu rộng…
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Người khuyết tật tỉnh xây dựng phương châm hoạt động với chủ đề "Đoàn kết, đổi mới, phát triển vì hạnh phúc của người khuyết tật", phấn đấu trở thành tổ chức đại diện cho người khuyết tật cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích người khuyết tật; làm tốt công tác vận động thực hiện Luật, chính sách đối với người khuyết tật; liên kết các hội thành viên, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật trở thành một khối thống nhất; là thành viên tích cực của mạng lưới người khuyết tật Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới, là đối tác chính của các tổ chức quốc tế cũng như tổ chức phi chính phủ, góp phần vào sự phát triển và hòa nhập bình đẳng.
Bài, ảnh: Hồng Vân