Cùng dự có các bộ, ngành TW; Ủy ban TKCN Quốc gia. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn trung ương, hồi 08h, vị trí tâm bão số 7 (có tên gọi Sarika) ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây đảo Lu Dông (Philippin).
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16 -17. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng đi theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 -25km.
Đến 07h ngày 17/10, vị tí tâm bão ở khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 250km về phía Đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16 -17. Đến 07h ngà 18/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc Quần đảo Hoàng Sa; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN Trung ương; Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông báo nhanh về tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung; ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lũ gây ra; công tác triển khai khắc phục; tình hình thời tiết khí hậu ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung…
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian cho các đại biểu của các tỉnh, thành và bộ, ngành trao đổi ý kiến, nhất là các tỉnh miền Trung vừa bị ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, nay lại có khả năng hứng chịu ảnh hưởng của bão số 7.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: Tình hình thời tiết khí hậu của các tỉnh phía Bắc và miền Trung đang diễn biến phức tạp, trong đó có bão số 7 khả năng ảnh hưởng đến nước ta. Đây là cơn bão mạnh, vùng ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh...
Qua báo cáo của các địa phương và bộ ngành, Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị đối phó với bão. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 7 gây ra, khi bão đổ bộ vào nước ta, Phó Thủ tướng yêu cầu:
Đối với các địa phương đang bị ảnh hưởng của ATNĐ vừa qua, thực hiện nghiêm công điện của Ban chỉ đạo Trung ương, khẩn trương tìm kiếm người mất tích; triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn; rà soát không để người dân nào thiếu đói; có phương án phục hồi sản xuất, sửa chữa nhà cửa, công trình xây dựng, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông trên các tuyến huyết mạch.
Các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và vùng đồng bằng Bắc bộ chủ động nắm bắt thông tin về bão số 7, thông tin kịp thời đầy đủ đến mội người dân, nhất là tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động tránh, trú hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tùy theo tình hình, diễn biến cụ thể mà chủ động cấm biển ở vùng mình; tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây, vận hành an toàn cho các hồ chứa, công trình thủy lợi; rà soát khu nuôi trồng thủy sản ven biển, có kế hoạch cụ thể, chi tiết, sẵn sàng cho công tác di dời người dân vùng này; thu hoạch nhanh, gọn lúa hoa màu, thủy sản trước khi bão về. Các bộ, ngành tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các phương án phòng chống bão số 7.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 7, lượng mưa đo được từ 7h ngày 14/10 - đến 19h ngày 15/10 tại Trạm khí tượng thủy văn Cúc Phương đạt 40,5mm, tại Trạm Bến Đế đạt 39mm; tại Trạm khí tượng Ninh Bình 45,2mm; Trạm Như Tân là 44,3mm.
Trước tình diễn biến của bão số 7, vào hồi 9h ngày 16/10/2016 Ban chỉ huy PCTTC&TKCN tỉnh đã có công điện số 10 CĐ /PCTT yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố triển khai thực hiện 6 nội dung, trước mắt thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; chủ động tiêu nước đệm trong đồng, thu hoạch nhanh lúa mùa và có kế hoạch bảo vệ cây vụ động; vận hành hồ đập an toàn...
Đến thời điển này đã có 51 tàu cùng 106 ngư dân trong tổng số 146 tàu cùng 442 ngư dân vào bờ neo đậu tàu, tránh trú bão; 7 tàu cùng 46 thuyền viên đánh bắt xa bờ đã vào bờ ở các địa phương khác tránh trú bão; đang thông báo cho 190 chòi cùng 343 lao động ngoài đê BMIII di chuyển tránh trú bão; lúa mùa đã thu hoạch được gần 25.000 ha, cây vụ đông trồng được gần 4.000 ha.
Bão số 7 khả năng cũng sẽ ảnh hưởng đến tỉnh ta. Trước tình hình đó, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu:
Các địa phương tập trung cao, quyết liệt cho khâu thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa, nhất là ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh và phấn đấu đến ngày 19/10 cơ bản thu hoạch xong.
Chủ động tiêu thoát nước đếm trong đồng, có phương án bảo vệ cây vụ đông; chỉ đạo nhân đân chủ động chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, công trình công cộng; chú trọng hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách chằng chống nhà cửa.
Kiểm tra đê, kè, cống, các công trình thủy lợi đang thi công, hạ mực nước trong các hồ chứa; kiểm tra hệ thống trạm bơm tiêu, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc. Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, di chuyển người dân ở các chòi canh ngoài đê BM III và sẵn sàng phương án di dân khi cần.
Đối với khu vực đô thị, khu công nghiệp chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp chằng chống nhà xưởng; chặt tỉa cây xanh khu đô thị, chằng chống biển quảng cáo, khơi thông hệ thông tiêu thoát nước trong đô thị nhằm tránh ngập úng khi mưa to.
Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai các phương án của mình khi cần.
Đinh Chúc-Đức Lam