Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng và đề ra các giải pháp chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT.
Năm 2015, toàn ngành BHXH đã phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao với trên 76,5% dân số cả nước có BHYT. Đầu năm 2016, cả nước cũng đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT, tăng khoảng 0,83 triệu, tương đương với 1,2% so với năm 2015.
Các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT.Cùng với đó, công tác khám chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Theo đó, Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng tiếp cận dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT. Nhờ đó, số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm. Năm 2015, ước khoảng 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với chi phí khoảng 50 nghìn tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 31/5/2016, toàn tỉnh có trên 700 nghìn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 74,36%, tăng gần 40 nghìn người so với tháng 12/2015. Nhóm đối tượng hộ gia đình tự đóng có trên 84 nghìn người tham gia, tăng gần 12 nghìn người so với tháng 12/2015.
Toàn tỉnh có 13/15 đơn vị từ tuyến huyện trở lên đã ứng dụng phần mềm trong quản lý bệnh viện; 14/15 đơn vị đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; ngành Bảo hiểm đã tiến hành khảo sát, lắp đặt cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đường truyền và phần mềm kết nối trực tuyến với cơ quan BHXH để triển khai thanh toán chi phí và giám định BHYT.
Tuy nhiên, theo ngành BHXH thì việc phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn như: nhận thức của một số chính quyền cơ sở và nhân dân về BHXH, BHYT còn hạn chế; công tác thanh, kiểm tra chưa nhiều, chế tài xử phạt tuy đã có nhưng chưa đủ mạnh, tính cưỡng chế thực thi của pháp luật chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách BHXH, BHYT của một số chủ sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế; tỷ lệ dân số sống và làm việc ở khu vực nông nghiệp nông thôn cao, nhất là ở các xã miền núi, các xã ven biển và người lao động tự do mức thu nhập còn thấp, không ổn định; mạng lưới đại lý thu còn mỏng, chưa về đến thôn, phố, xóm...
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định BHYT, các trang thiết bị, máy tính, đường truyền Internet tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh BHYT còn thiếu, trình độ tin học của cán bộ, nhân viên tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh BHYT còn thiếu, trình độ tin học của cán bộ, nhân viên tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh BHYT còn yếu.
Hầu hết, phần mềm quản lý bệnh viện tại các đơn vị không đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối liên thông trong quản lý Khám chữa bệnh BHYT và kết nối với BHXH để phục vụ giám định, thanh quyết toán chi phí...
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT. Từ đó, đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện việc phát triển đối tượng tham gia BHYT và đẩy mạnh công tác tin học hóa trong tổ chức giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Nguyễn Hùng-Minh Quang