Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Theo Bộ Y tế, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và cố gắng, nỗ lực của toàn ngành y tế, đến nay, nhiều chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 sớm hoàn thành. Trong đó, mạng lưới kinh doanh dược đã phát triển mạnh mẽ, góp phần bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận với thuốc chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức, như: Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày một nhiều; tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng xuất hiện thường xuyên trên thị trường; hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc…
Trước tình hình đó, ngày 25-10-2017, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó có nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn; ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020; kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc;xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.
Theo đó, Bộ Y tế thực hiện triển khai thí điểm ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định. Qua triển khai thí điểm tại 4 tỉnh cho thấy, việc thực hiện ứng dụng CNTT kết nối liên thông các nhà thuốc hoàn toàn khả thi và có hiệu quả cao trong việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc từ chính những người sử dụng.
Sau thí điểm triển khai tại 4 tỉnh, đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, thực tế, quản lý thuốc ở Việt Nam hiện còn lỏng lẻo, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh đang ở tốp cao của thế giới; tình trạng mua thuốc không kê đơn quá dễ dàng; giá cả các loại thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ chưa được quản lý…
Vì vậy, cần phải sớm khắc phục tình trạng này bằng việc kết nối các nhà thuốc để quản lý chất lượng, nguồn gốc, hạn sử dụng và so sánh giá thuốc, một mặt tối ưu hóa việc kinh doanh, mặt khác đem lại lợi ích nhiều hơn cho người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm triển khai hệ thống đồng bộ y tế cơ sở, tiến tới lập hồ sơ sức khỏe cho người dân và tiến tới bệnh án điện tử. Cùng với đó là kết nối quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ thuốc trong toàn quốc…
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ngành Y tế cần khắc phục khó khăn bước đầu, tập trung triển khai hiệu quả Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020" của Bộ Y tế. Đẩy mạnh công tác quản lý dược, kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm tra thắt chặt việc kê đơn, bán thuốc, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của người dân trong giám sát chất lượng thuốc; quan tâm thực hiện kết nối mạng đối với các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh, giúp người dân có thể tra cứu, truy xuất được nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng và nhận cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan chức năng ngay khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng…, đảm bảo mỗi người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Hạnh Chi- Minh Quang