Năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục trên 40,02 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76%, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng hơn 12% so với 2017. Đến nay, cả nước có hơn 9.200 doanh nghiệp nông nghiệp.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhiệt tình tham gia. Đến nay, cả nước có 3.787 xã (chiếm 42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn xây dựng NTM. Đời sống của cư dân nông thôn được nâng lên một bước.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung tham gia ý kiến làm rõ hơn những kết quả đạt được, những đóng góp của từng thành phần trong phát triển nông nghiệp, vai trò của người nông dân trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu của nước ta trong phát triển nông nghiệp năm 2019, những nút thắt cần tháo gỡ trong phát triển sản xuất nông nghiệp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, sáng tạo, vượt khó của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và sự đổi mới đất nước trong năm 2018.
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa Việt Nam sẽ lọt tốp 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Trước mắt, năm 2019 phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD, tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%; ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu đến 2 con số, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp quan trọng: trong đó ưu tiên số 1 là tiếp tục thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành; xây dựng các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Làm tốt công tác thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩn nông sản Việt Nam.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cộng nghệ sịnh học, những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở dữ liệu lớn trong sản xuất. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM, ưu tiên cho các mục tiêu cải thiện về môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động ứng phó, không để tình huống bất ngờ xảy ra. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp; đóng cửa rừng tự nhiên, phát triển mạnh việc trồng rừng. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết mới về nông nghiệp.
Hà Phương- Minh Đường