Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đ/c Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh; các đồng chí là thành viên ban chỉ đạo, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; một số cơ sở đào tạo nghề, HTX, doanh nghiệp có tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp tiêu thụ nông sản.
Trong bối cảnh, nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thì vấn đề cạnh tranh về chất lượng và giá cả nông sản là sống còn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ lẻ, không quản lý được chất lượng và an toàn thực phẩm. Các mô hình sản xuất HTX, trang trại đa phần thiếu kết nối với doanh nghiệp - thị trường nên hoạt động kém hiệu quả, đời sống xã viên chậm được cải thiện.
Chính vì vậy, đẩy mạnh liên kết là nhu cầu bức thiết đặt ra, trong đó vai trò của HTX là rất quan trọng và HTX chính là hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp lớn, đồng trục với hơn 6 triệu hộ nông dân để tạo nên một chu trình sản xuất khép kín.
Trước thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, chủ trì liên kết có thể được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa là 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.
Các dự án liên kết được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ tối đa lên tới 10 tỷ đồng. Ngoài ra, các bên tham gia liên kết còn được hỗ trợ để xây dựng các mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm…
Về vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020". Mục tiêu, đến năm 2020 là duy trì củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả; phấn đấu có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém để phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém). Tạo điều kiện thành lập mới trên 5.200 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực có lợi thế ở các địa phương và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, các địa phương đã tập trung thảo luận nêu ra các hạn chế còn tồn tại trong quá trình phát triển HTX cũng như các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số ý kiến đề nghị: Chính phủ cần hoàn thiện chính sách tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn, Bộ NN&PTNT có chính sách, kế hoạch sát hơn về đào tạo nghề cho nông dân…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị định, Quyết định trên, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên, nhất là người đứng đầu; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ hệ thống quản lý nhà nước, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động ở các HTX và thành viên HTX; tăng cường cán bộ trẻ về công tác tại các HTX nông nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu:
Các địa phương cần xây dựng chương trình hành động, bố trí, huy động các nguồn lực để hỗ trợ có hiệu quả cho HTX nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của các HTX. Bên cạnh đó, chú trọng quản lý nhà nước đối với HTX; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo báo, tổng kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình; tôn vinh, khen thưởng các HTX hoạt động hiệu quả, các nhà khoa học, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngành NN&PTNT.
Ngay sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh, các địa phương trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị định số 98 và Quyết định số 461 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Hà Phương- Đức Lam