Cùng dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố; 577 các huyện, quận; 664 xã, thị trấn.
Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh. Tại đầu cầu các huyện, thành phố có: lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT: Thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Mặc dùđã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thiệt hại về người và tài sản vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích năm 2018 (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷđồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷđồng)...
Từđầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỉ đồng.
Báo cáo cũng nêu rõ thời gian tới sẽ xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai quốc gia vào cuối năm 2019. Xây dựng đề án tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: Miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lởđất); miền Trung, Tây Nguyên (nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão) và triển khai thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP vềđồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành việc lắp đặt thí điểm cảnh báo lũ quét sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu ở các bộ, ngành và địa phương tham gia ý kiến nêu rõ kết quả đạt được, những tồn tại khó khăn và kiến nghị, đề xuất với Trung ương về công tác PCTT & TKCN.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 11 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai; nhưng đây là công tác được quan tâm phòng chống mà ngay từ thời xa xưa của ông cha ta đã có kết quả, bằng chứng là câu chuyện Sơn Tinh-Thủy Tinh vẫn còn lan truyền trong nhân dân.
Phát huy truyền thống cha ông, ngày nay công tác phòng chống thiên tai đã được cả hệ thống chính trị quan tâm vào cuộc, trong đó lực lượng quân đội đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai gây ra còn lớn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, các công trình PCTT còn có mức độ; công tác cảnh báo, dự báo còn chưa theo kịp với diễn biến của thiên tai; một số nơi khắc phục thiên tai còn chậm, kéo dài; cơ chế, chính sách PCTT chưa hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của cộng đồng, người dân...
Nhiệm vụ của công tác PCTT trong thời gian tới là: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT; rà soát lại các phương án PCTT, TKCN để tránh tình trạng lúng túng, bị động khi có thiên tai xảy ra.
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTT cho cộng đồng dân cư; nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo về thiên tai; nâng cao năng lực PCTT cho các công trình và cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành PCTT từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện thể chế, cơ chế đồng bộ có hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác PCTT.
Đồng thời có cơ chế huy động nguồn lực ngoài xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào công tác PCTT; tăng cường quan hệ quốc tế về PCTT.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng phương án PCTT Quốc gia. Ủy ban Quốc gia ứng phó với thiên tai và TKCN rà soát các phương tiện, phương án chuẩn bị sẵn sàng khi cần.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung làm tốt công tác cảnh báo, dự báo về thiên tai; Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo kiểm tra rà soát về đê điều, cầu cống, hồ đập; xử lý nhanh các sự cố về đê điều, hồ đập; phối hợp với thành phố Hà Nội; Bộ Xây dựng sớm xây dựng Trung tâm điều hành PCTT Quốc gia; Bộ công thương kiểm tra, rà soát hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn tuyệt đối và cung cấp đủ, kịp thời điện cho PCTT; Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát tiêu thoát nước cho các đô thị. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì các đề tài, nghiên cứu khoa học về thiên tai, PCTT.
Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ thực hiện theo sự phân công của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT. Các tỉnh, thành chịu trách nhiệm chính trong công tác PCTT tại địa bàn, đi đầu xung kích trong công tác này...
Cũng tại hội nghị , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tặng bằng khen cho 34 tập thể và 54 cá nhân trong toàn quốc đã có thành tích trong công tác PCTT & TKCN năm 2018.
Tại tỉnh Ninh Bình, năm 2018 chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão (số 3 và 4) và hoàn lưu của bão số 5 và 6; lũ trên sông Hoàng Long tại bến Đế đạt mức 4,14 m, vượt báo động III là 0,14 m (13h ngày 22/7/2018); rét đậm rét hại có 4 đợt; nắng nóng có 5 đợt...
Các dạng thiên tai trên đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu cho các địa phương trên địa bàn tỉnh ước khoảng 197,15 tỷ đồng. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã triển đồng bộ, kịp thời các giải pháp ứng phó nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Mùa mưa bão năm 2019 đã đến, diễn biến của thời tiết khí hậu và các dạng thiên tai còn rất khó lường và thất thường.
Do vậy, tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh yêu cầu: các sở, ngành và địa phương rà soát lại các phương án PCTT & TKCN, triển khai thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh bám sát địa bàn và nhiệm vụ được phân công để thực hiện. Các huyện, thành phố kiểm tra rà soát lại các vị trí xung yếu, trọng điểm và có phương án bảo vệ.
Sở Nông nghiệp & PTNT kiểm tra, xem xét các đoạn đê không cho xe tải đi vào, nhất là trong mùa mưa bão và có giải pháp để ngăn chặn, hoàn thành xong trước ngày 25/7.
Đinh Chúc - Anh Tuấn