Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mặc dù năm 2014, thiên tai xảy ra ít hơn cả về cường độ và số lượng so với trung bình nhiều năm, nhưng có xu hướng diễn biến rất bất thường, khó dự đoán.
Trong năm 2014, thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích; 145 người bị thương, 1.985 nhà bị đổ, sập, trôi, tốc mái; hơn 230 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại...ước tổng thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng.
Công tác ứng phó với thiên tai được Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tốt công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, quyết liệt với những nội dung cụ thể trong từng cơn bão, áp thấp nhiệt đới; đặc biệt quan tâm đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, vùng cửa sông và trên sông nên không có trường hợp thiệt hại về người trên biển trong bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nói chung.
Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm đưa luật phòng, chống thiên tai đi vào cuộc sống; nhiều công trình phòng, chống thiên tai tiếp tục đầu tư xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp. Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai cũng được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ các địa phương, Bộ, ngành bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí 1.538,9 tỷ đồng, 2.000 tấn gạo, 1.400 tấn lúa giống, 267 tấn ngô giống... giúp các đơn vị và bà con nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống.
Năm 2014, UBQG TKCN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên bám sát diễn biến của tình hình thời tiết, thiên tai và sự cố để có kế hoạch, phương án cụ thể. Trong năm, UBQG TKCN đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương điều động 153.312 lượt người, hơn 5.000 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai và đã trực tiếp chỉ đạo TKCN trên biển 475 vụ; chữa cháy 556 vụ; ứng phó khắc phục 26 vụ sự cố hầm, lò…cứu được 3.879 người; 248 phương tiện; kêu gọi, hướng dẫn 350.830 tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn khi có bão...
Tại tỉnh Ninh Bình, Ban chỉ huy PCLB & TKCN đã xây dựng và triển khai tốt Phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 của tỉnh đảm bảo chi tiết, cụ thể, hợp lý, khoa học cho từng vùng, đối phó với từng loại thiên tai. Đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị 4 tại chỗ, kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân, phòng chống úng bảo vệ sản xuất; triển khai tốt các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi, hồ chứa, công trình đang thi công và khắc phục hậu quả sau thiên tai…góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ được sản xuất, tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân…
Năm 2015 theo dự báo, tình hình thời tiết khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương cần chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê, kè, cống và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trọng điểm phòng chống bão, sóng thần, siêu bão là huyện Kim Sơn; trọng điểm chống lũ là các huyện Nho Quan và Gia Viễn. Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành tiếp tục được củng cố, kiện toàn; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, công trình PCLB, công trình thủy lợi, để xây dựng, hoàn thiện phương án PCLB của các cấp, các ngành theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn xong trước ngày 5/5/2015; hoàn thành công tác tu bổ kè, cống xong trước ngày 30/4; đê và công trình phụ trợ PCLB xong trước ngày 30/5/2015.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Năm 2015, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó dự báo. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động ứng phó với thiên tai với phương châm hạn chế tối đa thiệt hại.
Để thực hiện mục tiêu đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiện toàn bộ máy phòng chống lụt bão các cấp; có kế hoạch cụ thể ứng phó với siêu bão; đẩy mạnh, tăng cường năng lực dự báo tình hình thời tiết; tích cực kêu gọi, huy động xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hoạt động quan trắc, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; chủ động điều tiết lượng nước tại các hồ chứa; đặc biệt có chế tài xử lý nghiêm với các hành vi khai thác khoáng sản làm sạt lở các công trình đê điều; nâng cao hiệu quả công tác diễn tập; triển khai các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn…nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp thu những ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn chỉnh phương án phòng chống thiên tai năm 2015 của tỉnh; đồng thời khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án phòng chống siêu bão. Tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, các ngành; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCLB & TKCN năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các phương án PCLB theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo chi tiết cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê, kè, cống và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thanh Chiên- Đức Lam