Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và lãnh đạo các địa phương.
Theo đánh giá tại hội nghị: tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Trong giai đoạn từ 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay đạt hơn 221 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động; gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình mỳ nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.Vốn tín dụng chính sách xã hội cũng có tác động trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời tạo nguồn lực giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái...Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến đúng các đối tượng thụ hưởng, trong đó tập trung ưu tiên cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thủ tục cho vay thuận lợi, đơn giản; thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách, kết hợp sự tham gia của 4 đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác...
Tại Ninh Bình, đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 2.324.835 triệu đồng. Tổng doanh số cho vay (từ năm 2016 - 30/6/2019) đạt 2.433.025 triệu đồng, với 87.071 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.Tại hội nghị, đại biểu đại diện các tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội… đã phát biểu làm rõ thêm những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời đưa ra những kiến nghị đề xuất để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thời gian tiếp theo.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn quốc đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phát huy kết quả đạt được, đồng thời nhằm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thời gian tới đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ các điều kiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH.
Chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, hoạt động ủy thác của các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời tập trung phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài. Nghiên cứu mở rộng đối tượng vay vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn; nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo…
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức - chính trị xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan; thực hiện tốt hơn nữa những nội dung công việc ủy thác; chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Nhân dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã khen thưởng các tập thể, cá nhân trong toàn quốc có thành tích xuất sắc thực hiện vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Trong đó Ninh Bình có 2 tập thể, 2 cá nhân được khen thưởng.
Đào Duy - Đức Lam