Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo TW các chương trình MTQG. Tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh; Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh; Ban chỉ đạo xây dựng NTM các huyện Hoa Lư, Yên Khánh.
Tính đến giữa tháng 9/2016, cả nước đã có trên 2.000 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng hơn 500 xã so với cuối năm 2015. Có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015.
Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Về kết quả huy động nguồn lực thực hiện: giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình là trên 851 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương chiếm 11,6% còn lại 88,4% huy động từ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng...
Ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tổng quát: Xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh, trật tự được giữ vững.
Về các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 50%. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã. Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
Về nguồn lực thực hiện Chương trình: Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 tối thiểu là 193 nghìn tỷ đồng. Bao gồm ngân sách Trung ương 63 nghìn tỷ, ngân sách địa phương 130 nghìn tỷ.
Đối với tỉnh Ninh Bình, Chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân, trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh.
Tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM của tỉnh trong hơn 5 năm qua là trên 18 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn nhân dân đóng góp là gần 7 nghìn tỷ đồng.
Phong trào hiến kế, hiến đất, góp công, vật liệu làm đường giao thông nông thôn; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ sạch được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 43 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến cuối năm nay có thêm 18 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: sửa đổi, tăng thêm một số tiêu chí; việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn; vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản; nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi đạt chuẩn...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
5 năm qua, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao; nhận thức chính trị của các địa phương, các cấp các ngành đã tốt hơn.
Bên cạnh những thành tựu trên cũng còn một số tồn tại: Một số nơi chưa quan tâm đến việc tổ chức sản xuất; đời sống văn hóa ở một bộ phận nông thôn còn nghèo nàn; môi trường tự nhiên và xã hội ở nông thôn còn nhiều bất cập; có nơi có chỗ còn chạy theo hình thức, huy động sức dân quá mức; việc đánh giá công nhận NTM có lúc có nơi chưa đúng, chưa thực chất.
Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao hơn nữa vao trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu; phải coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Việc đánh giá NTM phải trung thực, khách quan, không chạy theo thành tích; xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, đô thị xanh, sạch. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, xây dựng đội ngũ nông dân có trí thức, sáng tạo, mạnh dạn tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gắn NTM với khát vọng khởi nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể; ban hành chiín sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã khó khăn; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình; thực hiện tốt cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn; tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong xây dựng NTM.
Hà Phương-Đức Lam