Thông tin tại hội nghị cho biết: Virus dịch tả lợn Châu Phi đã tấn công đàn lợn của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi chiếm vị trí vô cùng quan trọng nên ngay từ khi Trung Quốc xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào tháng 8/2018, Bộ NN & PTNT đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngay các bộ, ngành, các tỉnh, thành triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên đây là dịch bệnh mới, lan truyền nhanh, bằng nhiều con đường khác nhau nên từ tháng 2/2019 ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện ở Hưng Yên và đến nay đã lan ra 6 tỉnh nữa là: Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Đến nay, chưa có ổ dịch mới nào qua 30 ngày.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng đã báo cáo về các biện pháp mà địa phương đã triển khai nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh đó kiến nghị, đề xuất một số nội dung như: Chính phủ hỗ trợ kinh phí để xét nghiệm mẫu, phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn; cần tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho lợn nái, đực giống; nghiên cứu cơ chế để giữ lại Trạm Thú y các huyện. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kịch bản tại chỗ; hướng dẫn việc lấy mẫu xác minh dịch bệnh đối với các hộ chăn nuôi đã đến kỳ xuất bán lợn; sớm xác định nguyên nhân gây bệnh ở khu vực đồng bằng và cơ chế lây lan, qua đó giúp các địa phương chống dịch hiệu quả hơn. Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các tổ chức quốc tế OIE, FAO thông tin thêm về tình hình DTLCP trên thế giới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và khuyến cáo Việt Nam một số chiến lược để ứng phó với dịch bệnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đặc điểm nuôi lợn ở Việt Nam khác các nước, có đến 10 triệu hộ chăn nuôi, 10 nghìn trang trại sản lượng rất lớn, chiếm 70% sản lượng thịt cung cấp trong nước và xuất khẩu. Nếu không sớm có biện pháp mạnh, dịch sẽ lây lan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. Do vậy, khẩu hiệu mà Thủ tướng đặt ra là "Chống dịch như chống giặc, phải huy động mọi cấp, mọi ngành ngăn chặn không để dịch lan rộng". Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng nếu thực hiện không tốt. Chính phủ đã ra Chỉ thị số 04 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP, yêu cầu hệ thống chính trị, các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu rà soát, sửa đổi hoặc bổ sung các quy định về cơ chế hỗ trợ cho hộ dân có lợn bị tiêu hủy một cách kịp thời, hợp lí nhất... Nêu cao tinh thần công khai, minh bạch trong hỗ trợ kinh phí chống dịch . Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát đảm bảo không thất thoát, lợi dụng chính sách. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến người dân đúng mức, đúng tình hình, để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn rõ nguồn gốc, thịt lợn an toàn, người chăn nuôi thực hiện tốt 5 không: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn...
Tại Ninh Bình, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có Công điện số 01 về triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng chống DTLCP , tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm rõ về dịch DTLCP, nắm vững các biện pháp phòng chống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập các đội kiểm tra lưu động, tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh. Chủ động lấy mẫu giám sát, đã lấy 39 mẫu máu lợn gửi đi xét nghiệm, kết quả 39/39 mẫu âm tính với DTLCP. Hiện tại, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, chưa ghi nhận và phát hiện ra trường hợp lợn bị mắc bệnh DTLCP. Toàn tỉnh đang có khoảng 350 nghìn con lợn.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Ninh Bình hiện đang bị vây quanh bởi dịch bệnh do vậy đề nghị các ngành, địa phương phải ưu tiên cho công tác chống dịch. Lãnh đạo địa phương nào lơ là, không thực hiện các biện pháp khử trùng tiêu độc, phòng dịch, để xảy ra hiện tượng lợn ốm chết mà không nắm bắt, báo cáo kịp thời, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chuẩn bị đầy đủ cơ số vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng dịch; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an thành lập các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên tuyến Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, tổ chức ngay các đoàn trực tiếp xuống các địa phương để kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Hà Phương - Đức Lam