Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình. Cùng dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong thời gian qua, trước tình hình quốc tế và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 nghị định, 21 nghị quyết, 46 quyết định, 106 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, công tác cải cách TTHC đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 1.750 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh từng bước được đưa vào vận hành, đã cập nhật trên 17.680 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa trên 1.000 quy định kinh doanh, giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực hiện.
Về đổi mới thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh, thành phố lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương, đã cung cấp trên 3.800 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái gần 130 triệu hồ sơ, hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến. Tổng số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt hơn 2.800 tỷ đồng. Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, có 90% cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã làm rõ kết quả đạt được trên từng lĩnh vực, đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện góp phần vào kết quả chung thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số quốc gia.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định và đánh giá cao những kết quả trong triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua.
Chỉ ra những mặt còn hạn chế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính; quan tâm đầu tư thỏa đáng công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp, từ đó tham gia tích cực vào chuyển đổi số.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc chủ động tham gia vào chuyển đổi số; khẩn trương khắc phục những bất cập trong vấn đề nguồn nhân lực, an ninh mạng.
Thủ tướng cho rằng nếu không muốn tụt hậu, không còn cách nào khác là phải đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận và phương thức chỉ đạo điều hành phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các cấp chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính.
Chuyển đổi số chính là cơ hội thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vì vậy cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm xuyên suốt đó là "lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là mục tiêu, là động lực trong cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá kết quả thực hiện", phải kiên quyết loại bỏ tư tưởng cục bộ, cát cứ, lợi ích cá nhân; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tạo sự thân thiện, hiểu biết, chia sẻ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp; khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.
Tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Bám sát thực tiễn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mạnh dạn cắt bỏ khâu trung gian.
Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống. Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong quá trình thực hiện cần tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và người dân.
Hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo quyền, lợi ích của người dùng, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp…
Minh Ngọc - Đức Lam