Năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.
Một số mặt công tác đạt kết quả cao: công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng với nhiều quy định về các quyền con người, quyền công dân; giảm tình trạng nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ...
Công tác cải cách hành chính được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, trong năm đã hoàn thành việc đơn giản hóa 4.527/4.723 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 95,85%.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính từng bước được quan tâm, nâng cao chất lượng công tác xử lý vi phạm hành chính, trong năm 2016, đã phát hiện xử lý trên 9,3 triệu/9,6 triệu vụ việc.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh, năm 2016, cả nước đã thực hiện gần 1,5triệu cuộc tuyên truyền cho trên 80 triệu người, phát miễn phí gần 60 triệu tài liệu PBGDPL.
Công tác hòa giải ở cơ sở tạo được điểm nhấn quan trọng qua việc tổ chức thành công cuộc thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III. Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả về việc là 8,3% và về tiền 3,74%.
Công tác hành chính tư pháp, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng...
Tại Ninh Bình, công tác Tư pháp của tỉnh năm 2016 đã có nhiều đổi mới, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận; nổi bật là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, kiểm tra, rà soát, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả cao, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; trực tiếp tham gia và phối hợp với các ngành giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đồng tình cao với báo cáo tổng kết công tác Tư pháp năm 2016, nhiệm vụ giải pháp công tác năm 2017.
Đồng thời kiến nghị một số nội dung cơ bản: Đề nghị Bộ Tư pháp cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý để giảm bớt nhân lực trong bối cảnh tinh giản biên chế; nghiên cứu, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật tổ chức pháp chế sở, ngành làm cơ sở đề xuất xây dựng, đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật giúp cho việc quản lý nhà nước được thống nhất; sớm có giải pháp và hướng dẫn việc chuyển đổi văn phòng công chứng do một công chức viên thành lập theo quy định tại luật công chứng năm 2006; ban hành chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút nhân lực chất lượng cao làm công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành tư pháp trong giai đoạn hiện nay
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả mà Bộ, ngành đã đạt được, đồng thời chỉ ra một số tồn tại trong công tác Tư pháp thời gian qua.
Đồng thời yêu cầu, trong năm 2017 ngành tư pháp cần tập trung thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp, chủ động, sáng tạo, bám sát chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, ổn định, minh bạch và đặc biệt phòng chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.
Giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, chú trọng triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào phục vụ công tác.
Kiều Ân - Anh Tuấn