Cùng dự có đồng chí Trịnh Đình Dũng, UTV.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh thành phố.
Tham dự hội nghị `tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh.
Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; ngoài ra còn có hàng trăm trận dông, lốc sét, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, nắng nóng, ngập lụt, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long…
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc của nhân dân; sự tham gia góp sức của nhiều tổ chức quốc tế nên công tác PCTT đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại đặc biệt là về người.
Toàn quốc có 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).
Riêng Ninh Bình, năm 2019, tỉnh đã chịu ảnh hưởng 3 cơn bão (cơn bão số 02, 03, 04); 2 đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng diện rộng nhưng do có sự chuẩn bị tốt, ứng phó kịp thời với các tình huống nên không bị thiệt hại lớn. Trong năm, tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 164 điểm cầu họp trực tuyến tại các địa phương để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai kịp thời. Cải tạo trên 30 km đê; sửa chữa hơn 9 km kè; xử lý khẩn cấp sự cố tràn Lạc Khoái;…Thực hiện nghiêm công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức quốc tế đã hợp tác hỗ trợ kinh nghiệm, kinh phí cho Việt Nam trong quá trình PCTT.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, theo nhận định của Liên Hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai hiện nay đã diễn biến ngày càng cực đoan, trầm trọng, dị thường và trái quy luật, lấy đi những thành quả, làm chậm quá trình phát triển, tác động sâu sắc đến đời sống của con người. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu phải xác định công tác PCTT là đặc biệt quan trọng, chưa bao giờ kết thúc. Tinh thần là phải chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa. Chủ động để ổn định, không bất ngờ lúng túng trước những tình huống tác động của thiên tai.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp, đó là: Rà soát lại phương án PCTT&TKCN; nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về PCTT; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trong phòng chống thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn lực bằng Ngân sách Nhà nước trong phòng chống thiên tai; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng xây dựng phương án, bố trí lực lượng phương tiện tham gia đảm bảo tính mạng, tài sản, công trình khi thiên tai xảy ra; Bộ Công an phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về đê điều, khai thác cát; Bộ TN&MT tiếp tục làm tốt công tác dự báo, xây dựng bản đồ cảnh báo các vùng nguy cơ sạt lở đất đá; Bộ Công thương xây dựng quy chế quản lý liên hồ chứa nước; Bộ Xây dựng làm tốt vấn đề quy hoạch các khu đô thị, quy hoạch liên vùng, các điểm dân cư nông thôn để ứng phó với thiên tai…
Kết thúc hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu: Các đồng chí Trưởng các tiểu ban PCTT&TKCN chủ động họp, tổ chức đi kiểm tra lĩnh vực mình phụ trách để nắm chắc tình hình trước mùa mua bão, xử lý ngay các vấn đề phát sinh, tránh để bị động bất ngờ.
Đồng chí cũng giao cho Thanh tra tỉnh phối hợp cùng sở NN&PTNT lập Đoàn thanh tra về đê điều và các lĩnh vực thuộc công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh. Đồng chí cũng lưu ý trong 2 năm 2018 và 2019, Ninh Bình không có bão, lũ lớn nhưng các ngành các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.
Hà Phương - Anh Tuấn