Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị trực tuyến có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện một số sở, ngành; các đồng chí thành viên BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo và đại diện một số phòng chuyên môn, bệnh viện tuyến tỉnh ngành Y tế...
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tính đến nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).
Về việc tiêm vắc xin, tính đến hết ngày 16/3/2021, cả nước có hơn 16.000 người, là các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đã được tiêm vắc xin, đảm bảo an toàn, có tình trạng sức khỏe ổn định. Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022, nhằm chủ động được vắc xin, đáp ứng nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và chủ động ứng phó khi có các dịch bệnh trong tương lai.
Tại Ninh Bình, tính đến ngày 17/3, toàn tỉnh có 34 ca bệnh xác định, trong đó đã điều trị khỏi và cho xuất viện 33 trường hợp, 1 trường hợp chuyển lên tuyến trên. Hiện trên địa bàn tỉnh không có ca bệnh nào đang điều trị. Công tác phòng chống dịch bệnh nhận được sự vào cuộc của toàn xã hội. Ngành Y tế đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an triển khai nghiêm túc các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Ngành Y tế phối hợp với các ngành liên quan xác định nhanh chóng đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ để thực hiện các hoạt động, đáp ứng dịch kịp thời; tham mưu cho lãnh đạo các quyết định cách ly, khoanh vùng, sàng lọc đối tượng đảm bảo an toàn, tiết kiệm nguồn lực và phù hợp với tình hình chung.
Đồng thời phát huy sức mạnh của cộng đồng, huy động sự vào cuộc tích cực của toàn dân, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh một cách nhanh nhất, chính xác nhất, không để người dân hoang mang, lo lắng hay lơ là, mất cảnh giác…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu thảo luận, nêu lên những cách làm hiệu quả, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua tại ngành, địa phương, đơn vị mình. Đồng thời đề ra những giải pháp, yêu cầu trong thời gian tới để chủ động ngăn chặn hiệu quả nếu dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng; đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kể từ khi ca nhiễm đầu tiên ở nước ta vào ngày 23/1/2020 đến nay, cả nước ta đã đồng lòng, quyết tâm cao và đạt nhiều hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong 3 đợt dịch liên tiếp, chúng ta đã tập trung chỉ đạo, đưa ra phương thức, cách làm quyết liệt với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", với tinh thần thực hiện "mục tiêu kép", "thần tốc, thần tốc hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng". Các chỉ đạo này được các cấp, các ngành, các địa phương, người dân hưởng ứng. Việc ngăn chặn COVID-19 của nước ta đã được thế giới đánh giá cao, được ca ngợi trên nhiều diễn đàn, phương tiện thông tin.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn lây lan trên diện rộng; tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép...
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là "Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng và Dập dịch" theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng...
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, giao ban, diễn tập để chủ động chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, yêu cầu nhanh chóng, khẩn trương triển khai "truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp".
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo mạnh mẽ, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K và thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tốt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khẩn trương, đúng đối tượng theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP.
Hạnh Chi- Minh Quang