Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hội nghị, thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, thời gian gầy đây, nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường đã bùngphát mạnh. Điển hình như việc ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn như sông Nhuệ, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai...
Tại khu vực đô thị, hoạt động giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã gây ra ô nhiễm môi trường, không khí đáng lo ngại. Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, nhưng chỉ khoảng 5% là có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn.
Tính từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 2.229 tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nhiều cơ sở bị buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục sự cố...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu lên một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Khẩn trương xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường...
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các bộ ngành đã phát biểu, nêu lên thực tế công tác bảo vệ môi trường ở địa phương, những áp lực trong quá trình phát triển cũng như đề xuất một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Đối với tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua đã có những nỗ lực to lớn trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch đi đôi với phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản. Không phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, không có sự cố môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Còn xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường bụi do hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng trên các tuyến đường trọng điểm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề không đảm bảo như: KCN Phúc Sơn, Tam Điệp, các cụm công nghiệp và làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện...
Tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường, sửa đổi những văn bản không phù hợp. Tăng cường các giải pháp để phát triển các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thông qua tăng cường ngân sách, xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Môi trường là vấn đề sống còn của quá trình phát triển, đồng hành cùng phát triển, không đánh đổi lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường. Hội nghị một lần nữa đã đánh giá thực chất hơn về thực trạng ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực, nhất là cho thấy những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Quan điểm của Chính phủ là đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư trong việc kiểm soát, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, thành ủy các địa phương cũng cần có nghị quyết chuyên đề nhằm chủ động kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường...
Nguyễn Thơm- Đức Lam