Dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được những kết quả nhất định.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý.
Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức thích hợp, phong phú; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tập trung xử lý các vấn đề trọng tâm, nổi cộm.
Số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại giảm còn 0,66%, mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm như rau, thịt đã giảm đáng kể. Riêng thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cao trên 7%.
Trong năm 2015, trên 20 nghìn đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra 344 nghìn cơ sở, phát hiện trên 77 nghìn cơ sở vi phạm chủ yếu về nước uống chai, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, các bếp ăn tập thể, phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm và các loại thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Nguy cơ không đảm bảo đảm ATTP xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhất là tại các hộ nông dân, trang trại nhỏ. Một số cơ sở, trang trại nuôi, lò mổ vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm.
Nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng sabutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, việc quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng…
Còn khá nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật...
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng bảo đảm ATTP, Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu tập trung vào một số giải pháp chính: Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương trong thực hiện Luật an toàn thực phẩm và các quy định của Chính phủ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm; trong đó, các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.
Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp vận động và giám sát đảm bảo ATTP. Đồng thời tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 ở một số vấn đề như: việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; siết chặt quản lý nhằm đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; các địa phương đầu tư trang thiết bị đo kiểm nhằm phát hiện thực phẩm không an toàn và kiểm tra xử lý dứt điểm các điểm nóng về ATTP đang được dư luận và xã hội quan tâm.
Đối với tỉnh Ninh Bình, những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội quan tâm. Hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện.
Công tác truyền thông, giáo dục, tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người tiêu dùng.
Năm 2015, toàn tỉnh đã thành lập 157 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP, kiểm tra được 4.543 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 718 cơ sở vi phạm, phạt trên 370 triệu đồng và tịch thu, buộc tiêu hủy nhiều sản phẩm, thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành được tăng cường, thông báo công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định. Công tác an toàn thực phẩm tại các sự kiện lớn, các vấn đề phát sinh đột xuất được đảm bảo, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế và gặp nhiều thách thức, như kiến thức và thực hành đúng của một bộ phận người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế; vấn đề ô nhiễm và tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; việc quảng cáo thực phẩm không đúng sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đã và đang gây bức xúc trong xã hội.
Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương nhất trí cao với báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình và những giải pháp chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời phát biểu đề xuất nhiều vấn đề nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Cần có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm VSATTP; kiện toàn lại Ban chỉ đạo về VSATTP; quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt; thực phẩm nhập khẩu; công khai thông tin các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm ATTP; xây dựng các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thực phẩm; tăng chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; để lại 100% kinh phí xử phạt cho địa phương và hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nghèo; xử lý điểm những vụ vi phạm nghiêm trọng, bảo đảm tính răn đe; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong vận động giám sát sản xuất kinh doanh thực phẩm...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng ký ban hành.
Đồng thời cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ và các địa phương đã kiên trì có nhiều giải pháp đề bảo đảm ATTP, tuy nhiên do cách tiếp cận chưa đúng và chưa chỉ rõ được cơ quan và người chịu trách nhiệm rõ ràng nên các Bộ và chính quyền các địa phương vẫn chưa làm tròn trách nhiệm với xã hội và nhân dân.
Chính vì vậy, tại Hội nghị này phải thay đổi cách tiếp cận để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng thời phải chỉ rõ trách nhiệm của mỗi Bộ, ngành, cấp chính quyền và người đứng đầu về ATTP, không thể để tiếp diễn tình trạng một vấn đề mà nhân dân bức xúc nhất lại cứ nói chung chung và không ai chịu trách nhiệm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo ở các địa phương về an toàn vệ sinh thực phẩm phải do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban và kiện toàn bộ phận tham mưu và có quy chế để bộ phận này làm việc theo pháp luật. Các địa phương phải dành ngân sách và xã hội hóa các hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Năm 2016, Chính phủ sẽ ứng ngân sách cho các địa phương, đồng thời đồng ý với đề xuất các địa phương được giữ lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải vận động tuyên truyền cho các hộ nông dân, doanh nghiệp thay đổi về tư duy sản xuất và đăng ký các quy trình sản xuất sạch để các cấp chính quyền và đoàn thể giám sát. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng phải đẩy mạnh tuyên truyền đồng bộ và quyết liệt nhằm góp phần tạo ra bước chuyển thực sự về an toàn thực phẩm.
Đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, hải quan, công an phải vào cuộc cương quyết, trách nhiệm, điều tra, xử lý nghiêm túc các vi phạm trên địa bàn... đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và mang lại niềm tin cho nhân dân.
Mỹ Hạnh-Minh Quang