Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết TW7 (khóa X) đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Cách đây 10 năm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới, BCH Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện, nhân dân đồng tình ủng hộ và đạt nhiều kết quả đột phá.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Trình độ canh tác được nâng cao. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị canh tác tăng lên, năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha.
Một số nông sản đã khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, trái cây nhiệt đới. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 2,66%.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào sâu rộng; kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống cua người dân nông thôn được cải thiện. Đến năm 2017, gần toàn bộ các xã trên cả nước đã có điện, có đường ô tô đến trung tâm xã. Có 88,5% dân số nông thôn bảo đảm được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ ngày càng được hoàn thiện. Đến 30/6/2018, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và lãnh đạo các Bộ NN & PTNT, KH & CN tham gia điều hành Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Riêng với Ninh Bình, sau 10 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến vững chắc. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. 100% số xã đã thực hiện xong công tác đồn điền đổi thửa, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất.
Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp tăng từ 56,3 triệu đồng (năm 2008) lên 110 triệu đồng (năm 2017). Thu nhập của người nông dân năm 2017 bình quân đạt 31,2 triệu đồng tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 4,52%; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện; dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Công tác xây dựng NTM đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đạt kết quả tích cực, Ninh Bình được Trung ương đánh giá ở tốp đầu cả nước. Hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 80/119 (đạt 67,2%) xã đạt chuẩn NTM.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá làm rõ những thành tựu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết. Từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của địa phương đề xuất các mô hình giải pháp để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất của cả thệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 để từ đó có được những kết quả đột phá trong phát triển nông nghiệp, cũng như cải thiện rõ rệt đời sống của người nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng nhấn mạnh: trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết những tồn tại, hạn chế. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM.
Về sản xuất nông nghiệp, cần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Lấy sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp Việt Nam. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các nhà đầu tư, HTX, người nông dân đầu tư vào nông nghiệp.
Tăng cường đào tạo nghề, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong nông thôn. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan tiếp thu và nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X); nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển "nông nghiệp toàn diện" và "bảo đảm an ninh lương thực quốc gia"; hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp.
Hà Phương- Đức Lam