Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Việt Anh, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQVN và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp, đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý.
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam từng bước đi vào nền nếp. Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước...
Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp tổ chức được trên 492 nghìn cuộc giám sát; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức hơn 82.800 cuộc phản biện xã hội, năm sau nhiều hơn năm trước.
Đối với tỉnh Ninh Bình, Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hộicác cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp của HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng quy chế, hướng dẫn triển khai trong hệ thống MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở. MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị- xã hội đã bám sát chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đề xuất nội dung giám sát, phản biện, góp ý; kết quả giám sát, phản biện, góp ý được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng đảng, chính quyền trong 5 năm qua, đồng thời phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện và đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Đảng. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần cho chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, xây dựng các chính sách phù hợp điều kiện thực tế; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp chính quyền các địa phương tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện để nâng cao hiệu quả, chất lượng. Tăng cường đối thoại để gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân. MTTQ Việt Nam tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm đối với hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về những kinh nghiệm, cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Khải Hoàn- Anh Tuấn