Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo 138/CP. Tại Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo 138 của tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị do Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày nêu rõ: Sau khi Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị được ban hành, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy cấp huyện, xã đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện kịp thời, nghiêm túc nên đã tạo được sự chuyển biến thật sự cả về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả trong phòng, chống tội phạm.
Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đã thể hiện rõ nét hơn, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm được nâng lên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm tại cộng đồng dân cư.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm được tăng cường góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều nội dung đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ và Chương trình công tác hàng năm đề ra.
Kết quả đạt được khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, đã góp phần bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được bổ sung và hoàn thiện; công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác phòng, chống tội phạm.
Việc tổ chức phòng, chống tội phạm ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Các lực lượng chuyên trách tiếp tục được kiện toàn và nâng cao năng lực, phát huy được vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và trực tiếp đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.
Hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm được mở rộng với nhiều quốc gia, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn; đã tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm và phối hợp của quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Lực lượng công an đã phát huy được vai trò nòng cốt trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm.
Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động với các bộ, ngành. Những kết quả trên đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm.
Tại Ninh Bình, trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ chính trị.
Đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo TTATXH, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc và bình yên của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của các Bộ, ban, ngành, địa phương. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các ngành, đơn vị trong thời gian qua.
Để khắc phục những mặt còn tồn tại, thời gian tới đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng cần bổ sung chương trình hành động, thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ chính trị một cách thường xuyên và lâu dài; tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với công dân để giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở; tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm; củng cố lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm, nhất là trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016.
Phát huy vai trò của các cấp, các ngành trong thực hiện các biện pháp phòng chống tội phạm trong tình hình mới; chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm với các quốc gia lân cận, nhất là các quốc gia chung biên giới và các nước thuộc các tổ chức mà Việt Nam đã gia nhập.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đó là: tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị lồng ghép với nội dung các Chỉ thị của Bộ chính trị, của Ban Bí Thư, các Nghị quyết của Quốc hội... về phòng chống tội phạm, bảo đảm TTATXH, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL về phòng, chống tội phạm; chú trọng thực hiện trên cả bề rộng và chiều sâu, tập trung tuyên truyền tại các khu vực trọng điểm, nơi có tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội phức tạp.
Chủ động trong công tác nắm tình hình, nhất là hoạt động của tội phạm để bố trí lực lượng hợp lý; tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nâng cao công tác điều tra, truy tố xét xử tội phạm, không để tình trạng oan sai.
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự, nhất là quản lý về cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Chỉ đạo xây dựng, đảm bảo chất lượng các dự án luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và tính khả thi của các quy định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT.
Củng cố nâng cao năng lực của các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tội phạm. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, Hiệp hội cảnh sát các nước Đông Nam Á, các nước láng giềng,...
Kiều Ân - Đức Lam