Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Tuất, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo một số địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư Trung ương (khóa X). Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động về quan hệ lao động có chuyển biến bước đầu. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quan hệ lao động tiếp tục được hoàn thiện; quản lý nhà nước về quan hệ lao động được tăng cường; vai trò của tổ chức Đảng, công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong Doanh nghiệp từng bước được phát huy.
Nhiều doanh nghiệp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề của người lao động được nâng lên, mỗi năm cả nước đào tạo nghề cho khoảng 1,7 triệu lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong cả nước được cải thiện. Cơ chế quản lý tiền lương được đổi mới, gắn liền với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Từ năm 2008 đến năm 2012, tiền lương thực tế của công chức, viên chức tăng mỗi năm 12,5%; tiền lương của người lao động tăng bình quân hằng năm từ 15-17% và năm 2013 tăng xấp xỉ 19% so với năm 2012. Các chính bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, trợ cấp thai sản được bảo đảm. Đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động được cải thiện. Xây dựng và phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp từng bước được chú trọng; các công trình phúc lợi phục vụ công nhân lao động được cải thiện.
Việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chuyển biến. Vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp bước đầu được phát huy…
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng thời triển khai Kết luận số 96- KL/T.Ư, ngày 07-4-20114 của Ban Bí thư.
Theo đó, tập trung đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp; làm tốt công tác phát triển đảng viên và xây dựng các mô hình tập hợp thanh niên, phụ nữ trong các doanh nghiệp. Kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn. Tăng cường sự gắn bó giữa các doanh nhân với người lao động tronh doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH và hội nhập quốc tế…
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 22- CT/T.Ư và Kết luận số 96- KL/T.Ư của Ban Bí thư. Đồng chí cũng giao cho Ban dân vận Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị 22, Kết luận 96 của Ban Bí thư Trung ương. Đảng ủy khối doanh nghiệp phối hợp với Sở lao động- Thương binh và Xã hội, các huyện, thị xã, thành phố có khu công nghiệp triển khai thực hiện tốt những nội dung trong Chỉ thị 22, kết luận 96 của Ban Bí thư Trung ương.
Thanh Chiên- Đức Lam