Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thành phố.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (IOE), dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia với hàng chục triệu con lợn phải tiêu hủy. Đến nay, chưa có quốc gia nào được IOE công nhận an toàn đối với dịch tả lợn châu Phi.
Tại Việt Nam, từ tháng 2/2019 đến nay dịch lây lan nhanh trên phạm vi rộng, tính đến ngày 12/5 bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con (chiếm trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN&PTNT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn lợn tuy nhiên dịch bệnh vẫn chưa được khống chế.
Tại một số địa phương việc triển khai thực hiện phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, bất cập: có nơi chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh dẫn đến người dân bán chạy lợn bệnh; việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để; chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng; hoạt động quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ và tiêu thụ lợn còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện nghiêm theo quy định. Mặt khác diễn biến thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho dịch bệnh lây lan do vậy trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Tại Ninh Bình, đến hết ngày 11/5, dịch bệnh đã và đang xảy ra tại 529 hộ/167 thôn/56 xã của 7 huyện và thành phố, tổng số lợn đã tiêu hủy là trên 5 nghìn con. Trước diễn biến phức tạp của dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách khống chế không để dịch bệnh lây lan.
Đặc biệt, công tác khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy lợn được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Đã thành lập các đội kiểm tra lưu động, các chốt kiểm dịch cấp huyện, xã để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn, ký cam kết với các chủ hộ chăn nuôi không giấu dịch, không bán chạy, không giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh… Đã cấp phát 30 nghìn lít hóa chất, 500 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc môi trường.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã nêu thực tiễn công tác ứng phó dịch bệnh tại địa phương mình, nhấn mạnh đến những vấn đề phát sinh bất cập, đồng thời đề xuất: Trung ương cân đối, sớm cấp kinh phí cho địa phương phục vụ công tác chống dịch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Luật Thú y; Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lợn hơi, chế biến, cấp đông để vừa đảm bảo giá lợn vừa dự trữ thực phẩm cho dịp cuối năm…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan, các địa phương và người dân đã vào cuộc quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, Việt Nam đã bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương coi nhẹ, chưa chủ động, tích cực trong phòng chống dịch để xảy ra tình trạng vứt lợn chết ra sông, chôn lợn rồi lại đào lên. Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng như báo chí đã nêu.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị mới về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất ngay biện pháp hỗ trợ phù hợp với khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả; ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch; xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia.
Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ thu mua giết mổ lợn, trữ đông, đảm bảo thực phẩm cho dịp cuối năm. Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh, huy động các lực lượng của địa phương kể cả quân đội, công an vào cuộc.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung, quyết tâm cao trong công tác phòng chống dịch. Làm tốt việc lập hồ sơ, tiêu hủy lợn bệnh.
Giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan điều chỉnh kế hoạch, xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong từng trường hợp cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ các điểm tiêu hủy lợn bệnh để làm cơ sở theo dõi môi trường sau này.
Lực lượng Quản lý thị trường, Công an tỉnh phối hợp làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh. Sở Công thương chủ động lên phương án liên kết để tiêu thụ lợn sạch, lợn chưa nhiễm bệnh cho người chăn nuôi.
Hà Phương - Anh Tuấn