Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại diện nông dân, HTX tiêu biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, chúng ta cần xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nông nghiệp, đồng thời phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đây là hai mặt của một quá trình, có liên hệ qua lại với nhau.
Phát huy kết quả của ba cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân trước đây, cuộc đối thoại hôm nay phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại đó để tiếp tục có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc.
Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", hội nghị lần thứ 4 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Đây là diễn đàn để các đại diện nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn" .
Các câu hỏi tập trung vào tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Tình trạng "sốt" đất xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít nông dân bán vườn, bán tư liệu sản xuất, nhiều ý kiến kiến nghị, cần siết chặt quản lý, sớm sửa đổi Luật Đất đai. Vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp. Vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp...
Bên cạnh đó, điểm mới của hội nghị năm nay đó là Thủ tướng đã đối thoại, trao đổi với các HTX, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 này có thêm các HTX, chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với những câu hỏi liên quan đến chính sách tam nông, tham mưu, quyết sách giải quyết bất cập hiện nay.
14 câu hỏi của đại diện nông dân tại hội nghị đã được trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan trực tiếp trả lời, giải đáp những ý kiến, kiến nghị của nông dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong quá trình đó, phải quán triệt một số quan điểm: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội; Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỉ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn, theo tinh thần "ly nông không ly hương".
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ; đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân từng địa phương vào tháng 10, 11 hàng năm để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.
Hồng Nhung- Anh Tuấn