Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh.
6 tháng đầu năm, ngành Tư pháp đã bám sát chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển được tăng cường. Công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật mới được thực hiện hiệu quả, đã tổ chức trên 274.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người. Tỷ lệ hòa giải thành công các vụ việc ở cơ sở đạt ở mức cao, trên 74%...
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có trên 27.300 tài khoản đã được cấp cho người dùng; đã có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh… Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm ngành Tư pháp đã tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác tham gia ý kiến, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tốt với số lượng công việc nhiều hơn cùng kỳ năm 2021.
Công tác thi hành án có chuyển biến tích cực. Công tác trợ giúp pháp lý đã có những đổi mới trong bảo vệ quyền lợi cho đối tượng yếu thế.Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp được thực hiện tốt. Công tác kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tư pháp được quan tâm...
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã trao đổi kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ tư pháp 6 tháng đầu năm, đồng thời làm rõ những khó khăn, đưa ra phương hướng hoạt động tư pháp 6 tháng cuối năm, trọng tâm là: Tham gia vào việc xây dựng trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và triển khai có hiệu quả Nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Làm tốt công tác thẩm định và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện tốt Luật hòa giải ở cơ sở. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận, biểu dương nỗ lực của ngành tư pháp các tỉnh, thành phố, đồng thời nhất trí cao với các giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu trong báo cáo.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Chú trọng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Tham gia ý kiến pháp lý để xử lý các vụ việc tồn đọng trong thi hành kết luận bản án. Thực hiện tốt công tác đấu giá tài sản. Thực hiện tốt công tác kiện toàn bộ máy để chỉ đạo, điều hành tốt công tác tư pháp, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trần Dũng-Đức Lam