Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lưu Danh Tuyên, TVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Phạm Văn Sơn, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh; Đinh Công Thanh, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, tại hội nghị đồng chí Võ Văn Dũng, UVT.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nêu rõ: Tại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác Mội chính đã đạt nhiều kết quả tiêu biểu, tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường.
Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả quan trọng; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống".
Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Tư pháp và cải cách Tư pháp được nâng lên rõ rệt; hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động tư pháp tương đối đầy đủ, đồng bộ, cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; hợp tác quốc tế về tư pháp được mở rộng…
Trước diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trong nước và quốc tế giai đoạn hiện nay, đồng chí Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đối với công tác Nội chính cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.
Xác định "chủ động phòng ngừa" là chính, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Tập trung đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự…
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và tuyên truyền nhằm tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng chống tham nhũng.
Tích cực sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội về phòng chống tham nhũng để phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc vụ án tham nhũng.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng...
Đối với công tác cải cách Tư pháp, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp. Đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác Nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách Tư pháp của ngành Nội chính Đảng. Đồng thời, hội nghị đã phát động thi đua chuyên đề giai đoạn 2021- 2025 các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định hội nghị là bước cụ thể hóa các chủ trương chung, định hướng lớn trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội chính Đảng.
Đồng chí lưu ý các Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy cần tập trung làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu chủ trương của Đảng, nhất là nghiên cứu cơ chế để "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", tham mưu xây dựng và ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng...
Trong thời gian tới, các đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống lãng phí. Đồng thời, cần nghiên cứu, tham mưu tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị làm công tác nội chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng và các cơ quan tư pháp, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt và cán bộ, công chức làm công tác nội chính.
Tại hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đã giao các đơn vị liên quan cụ thể hóa Chương trình hành động và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.
Kiều Ân - Đức Lam