Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì cuộc họp. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo các sở, ban, ngành: Y tế, BHXH, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện các Bệnh viện, Trung tâm y tế, BHXH các huyện, thành phố…
Tính đến 30/6/2018, toàn quốc có 81,59 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT là 86,9%, đạt 100,2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đối tượng gia tăng nhiều tập trung ở nhóm tham gia BHYT hộ gia đình.
6 tháng đầu năm, có 2.316 cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT, trong đó cơ sở y tế công lập là 1.549, cơ sở y tế tư nhân là 544 và y tế cơ quan là 223 cơ sở. Số cơ sở KCB ký hợp đồng tăng, kết hợp với quy định KCB thông tuyến đã tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người tham gia BHYT.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tham luận đi sâu phân tích những hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu người bệnh; chính sách KCB thông tuyến làm giảm số lượng người mắc bệnh đến KCB tại y tế cơ sở; một số chính sách làm ảnh hưởng đến việc KCB tại tuyến xã; tình trạng thiếu nhân lực giám định dẫn đến việc kiểm tra, giám sát công tác KCB BHYT cũng như thanh toán chi phí KCB BHYT.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, mục tiêu chung của ngành là y tế cơ sở phải phát triển mạnh mẽ. Ngành sẽ đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đội ngũ bác sỹ gia đình. Cùng với đó, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính một cách đồng bộ, hiệu quả.
Đồng chí Bộ trưởng đề nghị, Sở Y tế các địa phương cần có chính sách luân phiên bác sỹ KCB tại cơ sở; Cục Quản lý KCB tham mưu với BHXH có quy định về mức độ chuyển tuyến và vấn đề chi trả khi chuyển tuyến...
Tại Ninh Bình, hệ thống y tế cơ sở gồm 2 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 8 trung tâm y tế tuyến huyện, 11 phòng khám đa khoa khu vực và 145 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ KCB cho người dân trên địa bàn tỉnh và một số vùng lân cận. Cơ sở vật chất của hầu hết các tuyến y tế cơ sở được xây dựng kiên cố, có nơi làm việc riêng, bố trí tương đối đầy đủ số khoa, phòng chuyên môn theo mô hình hoạt động.
Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 119/145 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. 100% các cơ sở y tế tuyến huyện được trang bị phần mềm quản lý bệnh viện; 100% các cơ sở y tế tuyến xã được trang bị máy tính, máy in và nối mạng Internet. Hiện toàn tỉnh có gần 2 nghìn cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị thuộc tuyến y tế cơ sở. Hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã có bác sĩ làm việc…
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đề ra một số giải pháp nâng cao chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở, như: Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế; Đẩy mạnh công tác chỉ đọa tuyến, chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến: tỉnh - huyện, huyện - xã; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu phục vụ chuyên môn; Triển khai thí điểm và áp dụng mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; Đổi mới cơ chế tài chính, tăng các mức chi trả và mức hưởng tại tuyến y tế cơ sở để thu hút người dân đến khám và chăm sóc sức khỏe…
Hạnh Chi- Minh Quang