Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương...
Báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện từ năm 2019, sau đó lây lan ra các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, chưa có tiền lệ, tốc độ lây lan nhanh, phức tạp...
Trước thực tế đó, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30 tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4 nguy hiểm, khốc liệt nhất.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 30 còn có tính dự báo, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 gây ra, như các biện pháp hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, miễn giảm thuế...
Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao quyền quyết định các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách khác luật, chưa được luật quy định cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch, tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; góp phần quan trọng trong kiểm soát dịch COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng. Số ca mắc giảm thấp, giảm mạnh tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Hệ thống y tế đã được củng cố, các biện pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, nguồn lực cho y tế đang được triển khai quyết liệt. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch.
Việc phòng, chống dịch của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.
An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện khó khăn, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương đã phát biểu, thảo luận, trao đổi, góp ý, làm rõ hơn những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, còn bất cập trong việc triển khai Nghị quyết 30 về chính sách phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, đề xuất nhiều kiến nghị để tiếp tục triển khai Nghị quyết 30 trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tầm quan trọng của việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kịp thời là căn cứ pháp lý để Chính phủ ban hành các Nghị quyết tiếp theo về phòng, chống dịch bệnh, giải quyết vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Qua đó thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ trên tinh thần quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần cùng cả nước phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, nhưng vẫn chưa kết thúc, nên yêu cầu công tác chống dịch vẫn cần được chú trọng. Do đó, cần tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Việc đánh giá thời hạn thực hiện Nghị quyết 30 lúc này có ý nghĩa quan trọng.
Đề nghị Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các Bộ, ban, ngành, địa phương, để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo, nhất là bổ sung làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 cho người bệnh… để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19; khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, nhân lực..., phục vụ tốt nhất công tác phòng, chống dịch cũng như công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe người dân.
Hạnh Chi-Minh Quang