Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì điểm cầu.
Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo và tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Chủ đề năm 2022 là "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". Thực hiện chủ đề năm, các Bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục xác định chuyển đổi số là giải pháp, là động lực, đột phá để thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Công tác chuyển đổi số thực hiện toàn diện từ nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, công tác an toàn, an ninh mạng, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Kết quả chuyển đổi số trong toàn quốc 6 tháng đầu năm 2022, đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các chỉ tiêu về chuyển đổi số như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% kế hoạch năm; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch năm 2022 là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (kế hoạch cả năm 2022 là 65%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (mục tiêu năm 2022 là 85%); tỷ lệ hộ gia đình Internet cáp quang băng rộng đạt 71,75%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 46,78%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 36,91%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử 33%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100%…
Đối với công tác chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm của tỉnh Ninh Bình: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành; với nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số sẽ là động lực quan trọng, là cách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ tư trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm "Đầu tư ít, hiệu quả cao" đã được khẳng định đúng với tình hình thực tiễn của tỉnh, cụ thể: Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia; nền tảng Chính quyền điện tử/Chính quyền số đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả; việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số, chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp Bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), tỉnh Ninh Bình xếp thứ 6, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về DTI 2021 (thành phố Đà Nẵng; Thừa Thiên -Huế; Thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Ninh; Lạng Sơn; Ninh Bình; Quảng Ninh; Thái Nguyên; Bình Phước; Bắc Giang).
Hồng Vân- Minh Quang