Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, những năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, trong 4 năm qua, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tại tỉnh Ninh Bình, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát: Giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Cụ thể, đối với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo: giai đoạn 2016-2019, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đạt 7,44% (trung bình giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 1,5%/năm). Dự kiến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2,0%, hộ cận nghèo giảm xuống dưới 3,0%. Như vậy mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hàng năm đạt chỉ tiêu.
Đối với mục tiêu về giáo dục, trong giai đoạn 2016 - 2019, 100% học sinh là con em hộ nghèo, cận nghèo vùng địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đều được hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và một khoản đóng góp khác. Mục tiêu về y tế: tính đến hết năm 2019, kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững của ngành y tế như sau: Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 139 xã, chiếm 95,9%, trong đó 100% xã bãi ngang đạt tiêu chí (vượt kế hoạch); Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thể hiện ở điểm đánh giá chất lượng bệnh viện trung bình của các đơn vị trong ngành tăng lên từ 2,8% năm 2016 lên 3,07 năm 2019;
Tỷ lệ người có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh theo Quyết định 01/2014/QĐ - UBND ngày 20/01/2014 của UBND tỉnh đạt 100%; Tỷ lệ người cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí cao khi điều trị nội trú, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh và các chuyển tuyến lên bệnh viện Trung ương theo định mức hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ y tế các vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng (NORRED) đạt 100%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 73,7%.
Đối với mục tiêu nhà ở: hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.640 hộ nghèo được hỗ trợ cho vay vốn làm nhà ở theo Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg với kinh phí 41 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của tỉnh cũng đã vận động và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 453 hộ nghèo, hộ chính sách người có công với tổng số tiền trên 17,91 tỷ.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà đại đoàn kết cho hàng chục hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn so với kế hoạch của giai đoạn: đã có 19/24 thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi chương trình 135 (chiếm 79,16%) vượt kế hoạch. Dự kiến cuối nhiệm kỳ có 02/10 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (chiếm 20%), đạt kế hoạch…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mặc dù có nhiều kết quả nổi bật, song công tác xóa đói giảm nghèo cũng còn bộc lộ một số khó khăn nhất định, cần khắc phục trong thời gian tới như: kết quả giảm nghèo còn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới còn cao; khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm…
Những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc đã được thảo luận tại hội nghị này nhằm phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời cũng giúp nhận diện rõ những nguyên nhân của hạn chế để tìm ra hướng khắc phục hiệu quả, phù hợp cho công tác xóa đói giảm nghèo ở giai đoạn mới này.
Đào Hằng