Quý I -2015, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kéo giảm. Số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT tiếp tục giảm, đặc biệt số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế. Tại Ninh Bình, thực hiện sự chỉ đạo của Ban ATGT Quốc gia và UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo, báo cáo điểm đen về TNGT,... nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Quý I-2015, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí. Tính từ ngày 15-12-2014 đến 14-3-2015, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ TNGT, làm chết 10 người, bị thương 37 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 7 vụ, giảm 2 người chết, giảm 4 người bị thương; trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi và lễ hội xuân 2015.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả mà các địa phương đã đạt được trong những tháng đầu năm, đặc biệt biểu dương 12 địa phương giảm trên 20% số người chết và phê phán 16 địa phương có số người chết vì TNGT tăng trên 10%. Đồng chí lưu ý, tuy tình hình TTATGT quý I-2015 có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng số người chết vì TNGT mới giảm ở mức thấp, tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng xe khách chở quá số người quy định và tăng giá vé trái quy định còn diễn ra....
Vì vậy, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Ủy ban ATGT Quốc gia cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung và điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, xem xét tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi trực tiếp gây mất ATGT; chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề năm ATGT 2015, kế hoạch hành động thực hiện quy dịnh của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em trên phạm vi toàn quốc; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo TTATGT, thiết lập đường dây nóng quốc gia tiếp nhận phản ánh của người dân trong công tác đảm bảo TTATGT...
Bộ Giao thông - Vận tải cần chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải các địa phương tăng cường quản lý siết chặt kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, tập trung quản lý việc kinh doanh vận tải tuyến cố định, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến, ô tô chở quá số người quy định; xây dựng phương án tăng cường vận tải công cộng cho khu vực nông thôn dịp nghỉ Tết và lễ hội, từng bước giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe; phối hợp tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường chỉ đạo về công tác quản lý đối với các phương tiện thủy nội địa chở khách ngang sông, chở khách du lịch.
Bộ Công an cần chỉ đạo công an các địa phương huy động tối đa lực lượng tăng cường thanh tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, tăng cường tuần tra, kiểm soát theo các chuyên đề và xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT tại các địa bàn có gia tăng dân số vãng lai trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, mùa thi, chú trọng địa bàn nông thôn và các trung tâm du lịch. Các cơ quan thông tin truyền thông cần xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh, thiếu niên....
Kiều Ân