Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… tiếp tục tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong 1,5 ngày, hội nghị đã nhìn nhận, đánh giá các kết quả về kinh tế - xã hội năm 2019; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như nghe các dự thảo báo cáo quan trọng.
Đã đã có 36 kiến nghị trực tiếp của 13 địa phương phát biểu và 366 kiến nghị bằng văn bản. Đây là những thông tin cần thiết để Chính phủ xử lý những vấn đề đặt ra.
Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải thấy được những bất cập trong xã hội, những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém để có giải pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
Cần tiếp thu và cụ thể hóa 4 bài học, 5 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã kết luận trong hội nghị ngày hôm qua. Tuyệt nhiên không chủ quan trước những thành quả đã đạt được vì đất nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trở ngại rất lớn.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, các ngành, các thành viên của Chính phủ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Một là đổi mới tư duy, xây dựng, hoàn thiện và thực thi thể chế chính sách pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Sớm tháo gỡ, xóa bỏ các luật, nghị định được cho là kìm hãm sự phát triển. Hai là khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển mạnh mẽ các ngành, các lĩnh vực.
Ba là có cơ chế chính sách giải pháp cụ thể tạo đột phá để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bốn là tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh phân cấp, giám sát, đề cao trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, nhất là với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Năm là khơi dậy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân để xây dựng đất nước vững mạnh, hùng cường.
Sáu là phát triển nhanh, bền vững, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của nhân dân. Củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Với những nhiệm vụ nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ để thực hiện.
Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước mắt, phải chăm lo Tết cho người dân, không để thiếu hàng, không để xảy ra tình trạng đẩy giá, lạm phát. Phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhở: cán bộ tuyệt đối không đi thăm, biếu quà cấp trên.
Hà Phương - Anh Tuấn