Theo dự biên kịch bản lễ hội Trường Yên do nhà nghiên cứu lịch sử Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh trình bày, lễ hội Trường Yên đã trải qua hơn 1000 năm lịch sử dân tộc, có sức sống và sức cuốn hút mãnh liệt. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và các vị tiên đế đã có công thống nhất sơn hà, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt- nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt nam. Các hoạt động của lễ hội đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, từ thuở thơ ấu đến khi khai quang đế nghiệp. Lễ hội là một nghi lễ chung của cộng đồng, một nghi lễ hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc. Hiện nay, lễ hội đã trở thành điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, một tài sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Từ năm 2014, lễ hội đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tuy nhiên, những năm qua việc tổ chức lễ hội, nhất là nhiều trình tự, thủ tục thực hiện trong lễ hội đã thay đổi, một số nghi lễ cổ truyền đã dần mai một như: tục tu bổ đền miếu, quy trình nuôi "ông" lợn để tế vua, cỗ tế lễ "tam sinh", lễ Mộc dục, khảo hình Đỗ Thích…
Tại hội nghị, đại diện các ngành, các cụ cao niên xã Trường Yên đều nhất trí với bản dự biên kịch bản tổ chức lễ hội. Đồng thời, tập trung làm rõ các nội dung cần quan tâm bổ sung vào việc tổ chức lễ hội Trường Yên như: Cần quan tâm mở rộng không gian lễ hội bởi giá trị của lễ hội còn thể hiện ở lĩnh vực sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật dân gian…; Đề nghị tỉnh quan tâm nghiên cứu, đưa trở lại lễ hội các nghi lễ cổ xưa vẫn được tổ chức trong lễ hội nhưng nhiều năm gần đây đã mai một như: lễ Mộc dục, quy trình nuôi "ông" lợn, tế cửu khúc, tế nữ quan, diễn tích cờ lau tập trận, sử dụng lau làm đạo cụ trong một số nghi lễ, Kéo chữ Thái Bình, tục "Khảo hình Đỗ Thích", cuộc thi chim…; Việc thống nhất ngày khai mạc lễ hội cũng hết sức quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc đưa lễ hội trở thành lễ hội cấp Nhà nước; Các công việc liên quan đến việc khôi phục một số nghi lễ cổ truyền cần được sự quan tâm, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước như việc khôi phục cổ vật, đưa linh vật không phù hợp ra khỏi sân Rồng…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu các ý kiến phát biểu đóng góp đối với việc tổ chức lễ hội Trường Yên. Đồng chí khẳng định: Việc đặt ra và thống nhất về quy trình tổ chức lễ hội là hết sức cần thiết nhằm tạo sự thống nhất cao trong việc xây dựng một kịch bản chi tiết cho việc tổ chức lễ hội hàng năm, tránh những thay đổi không phù hợp và nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các nghi lễ cổ truyền của lễ hội.
Đối với ý kiến đóng góp của các bậc cao niên xã Trường Yên, đồng chí giao cho nhà nghiên cứu lịch sử Trương Đình Tưởng và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm tập hợp, làm việc cụ thể để xây dựng hoàn chỉnh kịch bản tổ chức lễ hội; đề nghị các bậc cao niên tiếp tục nghiên cứu kịch bản, cung cấp thêm tư liệu để bổ sung vào kịch bản.
Giao Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An chuẩn bị các điều kiện để việc tế lễ trong lễ hội hàng năm của người dân diễn ra thuận lợi, đúng nghi lễ cổ truyền; Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cần nghiên cứu ý kiến về khôi phục cổ vật, đưa linh vật không phù hợp ra khỏi sân rồng, đề xuất ý kiến báo cáo UBND tỉnh. Huyện Hoa Lư cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động bán hàng của người dân trong thời gian tổ chức lễ hội, đảm bảo việc bán hàng phải triển khai ở ngoài khu vực sân lễ hội…
Bùi Diệu