Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội VHNT, Chi hội di sản văn hóa tỉnh và một số nhà nghiên cứu, phản biện có liên quan và các cụ già có kinh nghiệm và uy tín trong việc tổ chức lễ hội Trường Yên.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận đưa ra các ý kiến đóng góp về thời gian, quy trình cũng như công tác tổ chức lễ hội, các nghi lễ chính và các hoạt động phần hội vừa đảm bảo truyền thống nhưng phù hợp với thời đại, để kịch bản tổ chức lễ hội Truyền thống Trường Yên xứng tầm lễ hội cấp Quốc gia, UBND tỉnh sớm trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Lễ hội cấp Nhà nước.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng trong nghi lễ cổ truyền cần đảm bảo 5 phần tế lễ chính gồm lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ tế chính. Đồng thời cẩn khôi phục lại lễ rước lửa và lễ tế cửu khúc. Trong phần hội, về khai mạc hội nên chăng để cả khởi trống và khởi chiêng (khởi chinh cổ) theo đúng truyền thống lễ hội trước kia; có nên tổ chức lễ Thượng Long và cần khôi phục lại nghi lễ rước kiệu là lễ thức tâm linh dân gian có ý nghĩa thống nhất giang sơn và kết thúc phần hội là nghi thức lễ tạ theo văn tế tạ truyền thống. Phần hội cũng cần giữ và phát huy các trò chơi gắn liền với lịch sử thời đại Đinh Lê như kéo chữ Thái Bình, trò cờ lau tập trận, bơi chải, cờ tướng, cờ người…
Các đại biểu cùng nhận định rằng, lễ hội Trường Yên là tín ngưỡng thờ cúng vua Đinh, vua Lê đã trở thành di sản phi vật thể vô cùng quý giá của nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước cần được bảo tồn và phát huy, xứng đáng là di sản của nhân loại. Lễ hội đã trải qua hàng trăm năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có sức bền bỉ và sức cuốn hút mãnh liệt.
Nội dung hoạt động của lễ hội đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng từ thuở ấu thơ đến khi khai quang đế nghiệp. Cùng với các nghi lễ và các trò chơi dân gian lễ hội là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, khẳng định bản lĩnh dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.
Việc tổ chức lễ hội cũng là bài học về "truyền thống uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với vị vua đã có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn, xây dựng nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra sinh hoạt chung cho cả cộng đồng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bộ phận biên soạn kịch bản Lễ hội truyền thống Trường Yên cần biên soạn, sửa chữa, tổng hợp theo ý kiến đóng góp tại hội nghị phù hợp, đảm bảo tính lịch sử cũng như tuân thủ theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quy định tổ chức lễ hội theo hướng trả lễ hội về cho dân, không rườm rà, phô trương, không mở rộng nhưng đảm bảo việc tổ chức cần diễn ra trang trọng, đúng nghi thức nhưng quy mô phải đảm bảo phù hợp với thời đại, an toàn, tiết kiệm.
Đồng chí yêu cầu bộ phận biên soạn tập trung tối đa thời gian chỉnh sửa, hoàn thành kịch bản trình UBND tỉnh chậm nhất đầu tuần tới để UBND tỉnh tiếp tục thông qua lần nữa, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để kịp tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội phê duyệt Lễ hội truyền thống Trường Yên trở thành lễ hội cấp Quốc gia.
Hồng Vân-Anh Tuấn