Dự tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh chủ trì điểm cầu. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo một số bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố....
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ y tế đã cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, tại Việt Nam, các hoạt động chính đã thực hiện thời gian qua và triển khai một số hoạt động trọng tâm triển khai trong thời gian tới.
Tính đến cuối ngày 18/2, trên thế giới ghi nhận trên 110 triệu trường hợp mắc và gần 2,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 Châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc COVID-19.
Tại Việt Nam, tính từ ngày 25/1 đến 18h ngày 18/2 có 755 trường hợp mắc trong cộng đồng, ở 13 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, tỉnh Hải Dương là 575 ca mắc, ở tất cả 12/12 huyện, thành phố, với diễn biến dịch ngày càng lan rộng, khá phức tạp. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của SARS-CoV-2, gồm từ Châu Âu, từ Anh, từ Nam Phi và Rwanda, Châu Phi.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thường xuyên họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố để chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Cùng với đó, Bộ Y tế, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện rà soát, truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh đi về từ vùng dịch. Cập nhật thông tin hằng ngày về tình hình dịch bệnh, phối hợp gửi tin nhắn cho tất cả các thuê bao di động trên cả nước, tổ chức khai báo y tế , xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang, vi phạm các quy định trong công tác phòng chống dịch...
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới trong cộng đồng. Đồng thời, thời gian sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc, nguy cơ phát hiện các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, tại một số địa phương đã ghi nhận các trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây....
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được Bộ Y tế tập trung triển khai là: Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các Bộ, ngành về việc phòng chống dịch COVID-19. Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương đang có dịch. Tăng cường truyền thông thực hiện theo thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người...
Cùng với đó, yêu cầu những người đi từ khu vực có dịch phải thực hiện khai báo y tế trung thực, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly phù hợp với điều kiện địa phương. Xây dựng kịch bản tình huống dịch bệnh lan rộng để không bị động... Thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, yêu cầu phải có phương án phòng chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất, đảm bảo sản xuất phải an toàn. Đồng thời, hạn chế du xuân, dừng các lễ hội, các hoạt động tôn giáo, tập trung đông người. Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm...
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đợt dịch lần này phức tạp hơn vì chủng virus có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% chủng cũ, chỉ trong thời gian ngắn phát hiện rất nhiều ca nhiễm. Hơn nữa, dịch bùng phát trong khu công nghiệp, diễn ra trước và trong dịp Tết Nguyên đán khiến độ phức tạp càng cao. So sánh với ổ dịch Đà Nẵng ghi nhận hơn 300 ca nhiễm trong cả đợt dịch hồi tháng 7-8 năm ngoái, dịch ở Hải Dương từ ngày 28/1 đến nay đã có hơn 500 ca nhiễm...
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là trong quý 1 phải coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Do đó, các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở địa bàn của mình. Cần xác định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy mới không luống cuống và chủ động đối phó khi có dịch...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, xét nghiệm là mấu chốt để kiểm soát dịch và đặt mục tiêu cách ly triệt để các F1, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Các địa phương cần chuẩn bị phương án xét nghiệm với số lượng mẫu nhiều hơn, rút ngắn thời gian có kết quả, tăng năng suất xét nghiệm, sử dụng phương châm 4 tại chỗ, gồm "phát hiện, chẩn đoán, cách ly và theo dõi". Cần chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không để bị động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Hạnh Chi- Minh Quang