Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch và một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong vùng quy hoạch… Tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức lập quy hoạch. Đồng chí nhấn mạnh: Trong những năm qua, thành phố Ninh Bình liên tục được mở rộng cả quy mô, cấp độ và tính chất của đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên trong xu thế của sự phát triển mới, với quy mô và tính chất hiện tại, thành phố Ninh Bình rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên thế giới thì thành phố Ninh Bình cần phải mở rộng hơn cả về quy mô và tính chất đô thị. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, trước hết đòi hỏi phải xây dựng cho được quy hoạch thành phố đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tầm nhìn lâu dài, có tính khoa học và khả thi cao.
Từ yêu cầu đó, đầu năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau 3 năm tích cực triển khai thực hiện với sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các chuyên gia tư vấn, đến ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, thành phố Ninh Bình mở rộng sẽ có diện tích tự nhiên là 210,52 km2,, gấp hơn 4 lần hiện nay. Bao gồm diện tích thành phố hiện tại và mở rộng thêm toàn bộ huyện Hoa Lư, một số xã của các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan, Yên Khánh, một phần xã Yên Sơn và phường Tân Bình của thị xã Tam Điệp. Về tính chất, thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh, đồng thời là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc bộ; là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Về quy mô dân số, thành phố Ninh Bình đến năm 2020 có khoảng 28,5 vạn người và đến năm 2030 có khoảng 40 vạn người. Không gian đô thị được phát triển theo mô hình đô thị đa tâm gồm khu vực đô thị trung tâm và các khu vực đô thị phụ trợ. Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa chiến lược và là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề, động lực để thành phố đổi mới, phát triển hơn nữa.
Đây cũng là cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý đô thị, đất đai, giao thông, xây dựng… của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh; là căn cứ để xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố ngày càng hiện đại, văn minh...
Để đạt được điều đó, có nhiều việc phải làm, song trước hết là cần tuyên truyền, vận động làm sâu sắc thêm về nhận thức, hành động, về trách nhiệm và tình cảm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển thành phố Ninh Bình; giới thiệu, phổ biến công khai quy hoạch rộng rãi trong nhân dân, để nhân dân hiểu và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện quy hoạch. Đồng thời xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch, ban hành Quy định quản lý xây dựng theo Đồ án quy hoạch; lập chương trình phát triển đô thị và triển khai ngay quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với quy hoạch; ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc theo quy định.
Đồng thời phải xây dựng được lộ trình mở rộng các đơn vị hành chính thành phố trong vùng quy hoạch. Bên cạnh đó phải xây dựng được cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư phát triển thành phố, đảm bảo tính thống nhất, bền vững và đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và thực hiện các dự án đô thị; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ và hiệu quả. Chú trọng khuyến khích xã hội hóa đầu tư kinh doanh các dịch vụ công của đô thị. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án phát triển đô thị đảm bảo đúng tiến độ, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề tại khu vực mới đô thị hóa; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi khẩn trương thực hiện các dự án. Phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp sạch), tiểu thủ công nghiệp làm động lực cơ bản thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về văn hóa, xã hội cần đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như quản lý môi trường, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép xây dựng, nhất là kiểm tra sự tuân thủ các quy định của quy hoạch về kiến trúc và chất lượng công trình. Đồng thời xây dựng hệ thống chính trị của thành phố vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới...quyết tâm xây dựng và gìn giữ được một thành phố đậm đà truyền thống lịch sử, văn hóa song cũng là thành phố hiện đại, văn minh, bền vững luôn hướng tới tầm cao mới.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ghi nhận và biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của chủ đầu tư, các tập thể và cá nhân đã triển khai và hoàn thành Đồ án quan trọng này. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch phổ biến rộng rãi Đồ án quy hoạch đã được phê duyệt đến các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng quy hoạch, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đồng thời, triển khai ngay việc xây dựng và ban hành quy định quản lý quy hoạch chung; quy chế quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị Ninh Bình. UBND tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc tiếp tục hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch khu du lịch Tràng An để sớm có cơ sở quản lý. Khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, cần thực hiện tốt việc công khai quy hoạch để các cấp, các ngành và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện. Các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành cần căn cứ vào quy hoạch để xem xét quy hoạch của địa phương, quy hoạch của ngành cho phù hợp, đảm bảo tính ổn định lâu dài.
Thanh Chiên