Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Cùng dự tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Hội nghị Chính phủ với các địa phương
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Hội nghị tập trung xem xét, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2022; tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022; tình hình triển khai đầu tư, xây dựng và chuẩn bị đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.
Quý I, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như cuộc chiến giữa Nga - Ucraina, giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây... đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.
Trong nước, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai để đảm bảo nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô tiếp được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Đặc biệt, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2020, 2021. Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục, 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79%. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ, xuất siêu 809 triệu USD. Thu ngân sách quý I đạt 32,5% dự toán, tăng trên 7,7% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi nhanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I năm 2022 giảm so với quý trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình với các báo cáo, đồng thời phát biểu làm rõ những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong quý I; tình hình triển khai đầu tư, xây dựng và chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông quan trọng quốc gia; giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022...
Phát biểu kết luận hội nghị, trước tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc với các địa phương, các gia đình về những khó khăn, mất mát do thiên tai bất thường xảy ra ở miền Trung thời gian qua. Thủ tướng khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, nước ta đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến khởi sắc, tích cực. Kết quả này là tiền đề cơ sở để chúng ta làm tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị, trước mắt, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau: Thứ nhất là phòng chống tốt dịch COVID-19, tổ chức tiêm vắc xin hiệu quả cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi; thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.
Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tháo gỡ rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, xử lý nghiêm gian lận, buôn lậu, tăng giá. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.
Thanh tra, giám sát, điều tra nắm tình hình vi phạm về bất động sản, trái phiếu, môi trường, xăng dầu. Đẩy mạnh phục hồi các lĩnh vực đặc biệt là du lịch, phát triển kinh tế số kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.
Coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, chú trọng công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng thực hiện các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đảm bảo quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược và đúng quy định.
Giữ vững độc lập chủ quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các địa phương có biên giới, các khu vực nhạy cảm. Tăng cường thông tin truyền thông, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế.
Với các dự án giao thông trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tốt công tác giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác quy hoạch, khai thác, quản lý mỏ nguyên vật liệu; xem xét điều chỉnh giá nguyên vật liệu đảm bảo kịp thời, phù hợp; chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền về các dự án liên quan đến đất rừng, đất lúa.