Chiều 12/1, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII; Dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XXII; Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Chủ đề công tác năm 2021 của tỉnh và công tác cán bộ.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Cùng dự có đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo một số Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy.
Cho ý kiến vào Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo, đặc biệt đã kế thừa Quy chế làm việc số 05 ngày 26/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, đúng quy định của Điều lệ Đảng, Quyết định số 168-QĐ/TW ngày 28/12/2018 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế làm việc kiểu mẫu của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Quy định số 10 ngày 12/12/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định 42 ngày 3/10/2016 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và các quy định, hướng dẫn khác của Trung ương.
Bên cạnh đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ cũng đề nghị bổ sung căn cứ ban hành Quy chế làm việc; góp ý cụ thể vào những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mối quan hệ công tác của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; nguyên tắc và chế độ làm việc; điều khoản thi hành.
Cho ý kiến vào Dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XXII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung đóng góp ý kiến vào chức năng, tổ chức của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban và các thành viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; nguyên tắc, chế độ làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; mối quan hệ công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy… Ngoài ra, các đại biểu tập trung cho ý kiến cụ thể vào một số điều khoản nhằm xác định rõ vai trò của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.
Cũng tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, các đại biểu thống nhất với phương hướng, mục tiêu của Chương trình công tác kiểm tra, giám sát, đó là: Công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; đảm bảo sự đoàn kết thống nhất và thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật kỷ cương trong Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; kiểm tra, giám sát phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo những hành vi vi phạm, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; góp phần quan trọng đối với việc thực hiện toàn diện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đai biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động trong Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, trước hết là trong cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội…
Cơ bản nhất trí với dự thảo Tờ trình xin ý kiến về Chủ đề công tác năm 2021 của tỉnh Ninh Bình, đó là "Đẩy mạnh cải cách hành chính", các đại biểu cho đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh công tác cải cách hành chính của tỉnh còn những bất cập. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự quyết liệt trong điều hành của chính quyền các cấp về cải cách hành chính ở tỉnh Ninh Bình. Từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về cải cách hành chính. Đưa cải cách hành chính thành nhiệm vụ quan trọng, là khâu mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình trong năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực lớn, các nhà đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực, ngành nghề công nghệ cao, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị cần lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính, nhất là những nội dung đang là hạn chế của tỉnh để tập trung thực hiện như: cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; hiện đại hóa nền hành chính; vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cải cách hành chính…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại hội nghị.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu góp ý về việc lựa chọn chủ đề công tác năm 2021 của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà thống nhất lựa chọn chủ đề: "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính". Đồng chí giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng dự thảo để trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng giao các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của đại biểu tại hội nghị để bổ sung vào các dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII; Dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XXII; Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành công tác cán bộ.