Cùng dự có đồng chí Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Kim Sơn.
Dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 xác định phát triển vùng ven biển Kim Sơn theo mô hình Khu kinh tế tổng hợp, tăng cường hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư để huy động nguồn lực phát triển kinh tế vùng.
Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông thủy bộ, chú trọng phát triển công nghiệp, kết hợp phát triển khu du lịch, khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn.
Đảm bảo hài hòa và gắn chặt phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng an ninh, đặc biệt là giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển và bảo vệ môi trường. Đến năm 2020, vùng kinh tế ven biển Kim Sơn đóng góp 7% tổng GRDP của tỉnh.
Dự thảo nghị quyết đã đề rõ các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp và tổ chức thực hiện để xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trong tương lai.
Đóng góp vào dự thảo, các đại biểu đã cơ bản nhất trí với nội dung Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời đóng góp các ý kiến để hoàn thiện Nghị quyết.
Về bố cục Nghị quyết nên chia làm 4 phần: Đánh giá tiềm năng thế mạnh, kết quả và điều kiện phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp; tổ chức thực hiện.
Nghị quyết cần nêu rõ các giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn, trong đó nêu giải pháp của tỉnh, của huyện Kim Sơn; các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị.
Nhiều ý kiến cho rằng phải có đánh giá hết sức cụ thể về thực trạng vùng ven biển để xác định mục tiêu, giải pháp cho phù hợp; bổ sung đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế biển còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, mất an toàn vệ sinh.
Phát biểu kết luận vấn đề này, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thống nhất một số nội dung trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Về kết cấu của Nghị quyết gồm 4 phần: thực trạng tình hình phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp và phần tổ chức thực hiện. Nghị quyết cần soạn thảo ngắn gọn, mạch lạc hơn, tránh trùng lặp giữa các phần, các mục.
Trong phần thực trạng cần đánh giá đúng tình hình vùng ven biển, có biểu số liệu thống kê về tỷ trọng đóng góp của vùng kinh tế ven biển vào GRDP của tỉnh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, tỷ lệ các ngành kinh tế, thu nhập bình quân/ha đất canh tác…đồng thời đánh giá tổng quát về tình hình văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng cũng như những tồn tại, hạn chế.
Đồng chí cũng lưu ý trong phần quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp cần viết ngắn gọn, rõ ràng hơn, nhất quán quan điểm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng. Về phần mục tiêu cụ thể, phân định làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn nêu rõ mục tiêu đạt được, phải đảm bảo nguyên tắc phát triển công nghiệp không mâu thuẫn với phát triển du lịch sinh thái.
Trên cơ sở xác định rõ chức năng của Khu kinh tế ven biển, các giải pháp chủ yếu đề ra là: Thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội vùng ven biển Kim Sơn; tổng rà soát lại toàn bộ vùng ven biển, xây dựng quy hoạch chi tiết; tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả các cơ chế hỗ trợ của Trung ương đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo phát triển kinh tế biển.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về Phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017. Theo đó, phương án đã xác định rõ các trọng điểm phòng chống thiên tai, vật tư, phương tiện, lực lượng phục vụ, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị đồng thời xây dựng các phương án cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các công trình phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và môi trường sinh thái.
Phát biểu kết luận về nội dung này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh phương án cần đảm bảo phương châm phòng là chính, đối phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xác định trọng điểm phòng chống thiên tai, nhất là ngập úng cục bộ tại thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình và các điểm sạt lở để có giải pháp xử lý.
Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là; đề cao tính chủ động, tích cực của nhân dân trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của thiên tai.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đê, kè, hồ đập, các công trình xung yếu đảm bảo năng lực PCTT, tổ chức rà soát, kiểm tra, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở, xuống cấp, ưu tiên các dự án có tính cấp bách. Tập trung kiểm tra, nâng cao công tác 4 tại chỗ; xử lý nghiêm các vi phạm luật đê điều trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không để phát sinh, tái vi phạm.
Đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị: Các đồng chí thành viên BCĐ PC thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án, phân công cho các đơn vị, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Đối với việc chống hạn, ngập mặn và các tình huống khác, các sở, ngành chức năng nhanh chóng xây dựng phương án để triển khai thực hiện. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp để chính thức ban hành phương án Phòng, chống thiên tai & TKCN năm 2017.
Thùy Phương- Thế Minh