Hội nghị thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế; dự thảo Thông báo kết quả giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Đảng ủy Sở Giáo dục- đào tạo về việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) và công tác thi đua khen thưởng, công tác cán bộ.
Theo dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) của UBND tỉnh, dự kiến có 2 phương án tổ chức là theo quy mô cấp tỉnh và quy mô quốc gia.
Nội dung, chương trình lễ kỷ niệm gồm nghi lễ kỷ niệm và các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao với chuỗi các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày triển lãm, thi đấu thể thao, thương mại, du lịch.
Thời gian tổ chức các hoạt động kỷ niệm dự kiến từ quý 3/2017 đến hết năm 2018. Mục đích nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế, văn võ bá quan triều Đinh đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng, khơi dậy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, xã hội, về đất và người Ninh Bình và những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về với Ninh Bình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận của đại biểu đều thống nhất lễ kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế là dịp thuận lợi nhất để Ninh Bình báo cáo trung ương, nâng tầm lễ hội và cần có sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để đẩy sự kiện này lên tầm cao hơn.
Việc tổ chức cần có sự chuẩn bị các điều kiện chu đáo để từng bước đưa lễ kỷ niệm vào hệ thống lễ hội quốc gia. Cần tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ lễ kỷ niệm nhất là quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế. Trong dịp kỷ niệm cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, những cuốn sách về lịch sử văn hóa địa phương nhất là những ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế cũng như những đóng góp của triều đại nhà Đinh.
Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm cần lựa chọn được hoạt động làm điểm nhấn, làm trung tâm. Để các hoạt động diễn ra tại lễ hội liên tục, hiệu quả, các tiểu ban được giao nhiệm vụ chuẩn bị lễ hội cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm, có sự phân định trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc chuẩn bị lễ hội, có sự phối hợp với các bộ, ngành trung ương…
Kết luận về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất và đồng tình rất cao lễ kỷ niệm là dịp để nâng tầm hình ảnh đất và người Ninh Bình, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hoạt động du lịch, dịch vụ, văn hóa của tỉnh phát triển ở tầm cao hơn, nâng tầm lên lễ hội quốc gia.
Qua ý kiến của các đổng chí trong Ban TVTU, nên kết hợp cả 2 phương án tổ chức lễ kỷ niệm để lấy 1 phương án là chủ động tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp, đưa 1 số hoạt động của năm du lịch quốc gia về tổ chức tại Ninh Bình.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, để có những động thái tiếp theo, nhất là về việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, tu bổ cố đô Hoa Lư, một số vấn đề liên quan đến nghi lễ thuộc về văn hóa phi vật thể như tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử để làm sống lại, làm mới những nghi thức, nghi lễ, bản sắc văn hóa thời nhà Đinh, từ đó tăng tính hấp dẫn với du khách khi về với khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư.
Thành lập Ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ kỷ niệm sớm để có điều kiện chỉ đạo sâu từng chi tiết, nội dung của lễ kỷ niệm. Đồng ý đổi tên lễ hội Trường Yên thành lễ hội Hoa Lư; Cần cân nhắc kỹ nội dung chủ đề lễ hội.
Về các công trình trọng điểm, đề nghị UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện để phục vụ việc tổ chức lễ kỷ niệm. Tập thể Ban TVTU thống nhất hội nghị lần này cho ý kiến bước đầu lần 1 đối với dự thảo kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao UBND tỉnh rà soát các phương án đảm bảo tính khả thi, báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy lần 2.
Đối với dự thảo Thông báo kết quả giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Đảng ủy Sở Giáo dục- đào tạo về việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 10-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn, các đồng chí trong Ban TVTU đều thống nhất với dự thảo, đánh giá Đảng ủy Sở Giáo dục- đào tạo đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, trình Ban TVTU, HĐND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả Nghị quyết số 29 và Chỉ thị số 10.
Đồng thời, tổ chức quán triệt triển khai nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên trong đảng bộ và đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn ngành. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về nội dung chỉ thị, nghị quyết. Do đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, công tác xóa mù chữ cho người lớn đạt kết quả cao, các chỉ tiêu đạt và nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm cho với mục tiêu đề ra.
Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong toàn đảng bộ và toàn ngành được thực hiện nghiêm túc, có nền nếp. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cấp học được thực hiện tốt.
Chỉ đạo, triển khai đồng bộ có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo trung thực, khách quan, công bằng theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục- đào tạo. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục được quan tâm đổi mới về nội dung, phương pháp thực hiện.
Hội nghị đã tiến hành nội dung công tác thi đua khen thưởng và công tác cán bộ.
Phan Hiếu