Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, đại biểu Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương có liên quan.
Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2,0%/năm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 130 triệu đồng/ha canh tác, giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 200 triệu đồng/ha canh tác.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá Nghị quyết có vai trò rất quan trọng và cần thiết. Đồng thời đề nghị cần xem xét lại bố cục của Nghị quyết. Đối với các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần coi trọng khâu quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần cân nhắc, xem xét các chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn cho phù hợp, sát với tình hình thực tiễn; bổ sung mục tiêu cụ thể về giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp giai đoạn 2016- 2020. Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng; bổ sung việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp trách nhiệm của các đại biểu; nhất trí với tên Nghị quyết gồm 3 thành tố chính, đó là phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Về bố cục của Nghị quyết cần phải thống nhất với các nghị quyết đã ban hành của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó phải lựa chọn được những vấn đề nổi bật, trọng tâm.
Cách diễn đạt cần ngắn gọn, xúc tích, khoa học. Phần quan điểm, mục tiêu phải mang tính khái quát cao, bám sát các mục tiêu lớn của Trung ương; đồng thời cần xem xét, tính toán lại một số chỉ tiêu cụ thể như tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như: Tăng cường công tác quản lý, khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ nông nghiệp; hướng quản lý và phát triển vùng nuôi trồng thủy sản ven biển; phương thức bảo quản nông sản sau thu hoạch và hình thành các chợ đầu mối trên địa bàn; lựa chọn đúng các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; xây dựng và nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm chủ lực, mỗi huyện một mô hình tái cơ cấu nông nghiệp tiêu biểu; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp chất lượng cao; quan tâm đến cơ chế khuyến khích thu hút xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết.
Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020 với các mục tiêu chủ yếu như tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo mỗi năm giảm từ 1,5% đến 2% theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2016- 2020; 100% đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách theo quy định, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản...
Các đại biểu nhất trí đây là Nghị quyết thiết thực nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Nhiều ý kiến đề nghị Nghị quyết cần đề cập rõ hơn về mục tiêu giảm nghèo đa chiều; các giải pháp cụ thể để khảo sát, phân loại hộ nghèo đảm bảo sát với thực tế; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Đối với các nhiệm vụ chủ yếu, cần quan tâm tập trung cao cho phát triển kinh tế-xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới; thành lập cơ sở dạy nghề phục vụ cho xuất khẩu lao động, ưu tiên ngân sách địa phương đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Phát biểu kết luận về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Nghị quyết. Trong đó, phần quan điểm chỉ đạo cần ngắn gọn, hợp lý; thống nhất mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể thành một mục, bỏ một số mục tiêu không phù hợp.
Về các nhiệm vụ trọng tâm cần rà soát, phân loại, lập kế hoạch, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo; bổ sung nhiệm vụ mở rộng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho người cận nghèo và các giải pháp dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; đưa nhiệm vụ giảm nghèo là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, đánh giá xếp loại hộ nghèo. Đồng thời nêu rõ quan điểm hỗ trợ có điều kiện để các hộ nghèo tham gia tích cực vào công tác giảm nghèo. Tăng cường giảm nghèo đi đôi với các giải pháp tăng các hộ khá, giàu trên địa bàn; tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
Chiều cùng ngày, hội nghị tiếp tục chương trình làm việc. Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia - đơn vị tư vấn thuyết minh tóm tắt về Quy hoạch phân khu khu đô thị mở rộng về phía Nam (khu 1-2). Theo đó: quy hoạch nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, môi trường sống tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị. Khu vực này có đầy đủ tiềm năng để trở thành một phần chính yếu trong cấu trúc đô thị Ninh Bình, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Khu vực lập quy hoạch phân khu đô thị phía Nam được phân chia thành 8 tiểu khu, có 1 trung tâm và 4 cửa ngõ Bắc- Nam- Đông- Tây.
Cụ thể: khu trung tâm được cấu thành bởi các đường đô thị lớn, nơi tập trung cao các hoạt động thương mại dịch vụ, công cộng đô thị; cửa ngõ phía Đông là khu vực Ga Ninh Bình; cửa ngõ phía Nam là nút giao Quốc lộ 1A với đường vành đai Trần Nhân Tông, kết nối với tỉnh Thanh Hóa và khu du lịch Tam Cốc- Bích Động; cửa ngõ phía Tây là nút giao với đường cao tốc; cửa ngõ phía Bắc chính là cảng cạn Ninh Phúc, một trong số ít cửa thông quan quốc tế miền Bắc. Cảng Ninh Phúc sẽ là động lực cơ bản để công nghiệp hóa khu đô thị 1- 2 cũng như toàn bộ thành phố.
Hội nghị cũng đã nghe Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó: Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính nằm ở phía Tây khu Quần thể danh thắng Tràng An, phạm vi quy hoạch khoảng trên 3.000 ha. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu du lịch văn hóa tâm linh của vùng và quốc gia, là Trung tâm hỗ trợ dịch vụ - du lịch, Trung tâm giáo dục đại học, cao đẳng và KHCN của tỉnh, là khu đô thị theo mô hình đô thị sinh thái kiểu mẫu, văn minh hiện đại đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu nhất trí quy hoạch phân khu khu đô thị mở rộng về phía Nam (khu 1- 2), và quy hoạch phân khu khu vực Bái Đính được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu đánh giá, các quy hoạch được thực hiện công phu, khoa học, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, nội dung quy hoạch hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mục đích đề ra. Bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến để nội dung các quy hoạch hoàn chỉnh hơn như việc khớp nối giữa các quy hoạch, việc bảo tồn, phát huy các giá trị môi trường hiện hữu; phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị; phát triển hài hòa các không gian kinh tế đô thị, đảm bảo tính chỉnh thể và giai đoạn…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với các quy hoạch được trình bày tại hội nghị. Đồng thời khẳng định, đơn vị tư vấn đã bám sát quy hoạch chung của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu: chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần rà soát sâu sát, kỹ lưỡng lại những số liệu đã nêu trong quy hoạch để tiếp tục chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp.
Đối với quy hoạch phân khu đô thị mở rộng về phía Nam, là phân khu đa dạng với hệ thống cầu cảng, KCN, làng nghề…, do đó, các đơn vị liên quan cần rà soát kỹ hơn nữa về quy hoạch giao thông, nhất là giao thông cảng, quy hoạch hệ thống điện, cấp thoát nước,…
Ngoài việc đảm bảo quy hoạch chung cần quan tâm kết nối với quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo tính khoa học trên nguyên tắc tôn trọng cái hiện có. Đồng thời quan tâm đến quy hoạch cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo sự kết nối giữa các phân khu tạo thành thể thống nhất.
Đối với Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là khu quy hoạch đặc biệt, là vùng đệm của Di sản Tràng An, vì vậy ngoài việc tuân thủ quy hoạch chung, cần đảm bảo sự đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt, tránh xảy ra mâu thuẫn; quan tâm đến các khuyến cáo của UNESCO về vấn đề môi trường.
Cùng với đó, đây là vùng có mạng lưới giao thông phức tạp bao gồm cả đường bộ và đường thủy nên cần quan tâm đến quy hoạch thoát lũ, thoát nước mặt và quy hoạch khu thu gom, xử lý nước thải. Ngoài ra cần quan tâm việc quy hoạch và quản lý nghĩa trang, tăng tỷ lệ cây xanh trong vùng quy hoạch; việc phân kỳ đầu tư cần tính toán trước mắt và lâu dài đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đào Duy